A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải cách hành chính Bộ Công Thương đã đem lại kết quả tích cực

Cải cách hành chính của Bộ Công Thương đem lại kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về cải cách hành chính (CCHC) nói chung cũng như đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh nói riêng của Bộ Công Thương.

Cải cách hành chính Bộ Công Thương đã đem lại kết quả tích cực

Cải cách hành chính ngành Công Thương đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Từ góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông có đánh giá như thế nào về cải cách hành chính (CCHC) nói chung, cũng như đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh nói riêng thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương thời gian qua?

Là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra trên 60% GDP của cả nước, nên Bộ Công Thương đang là một trong những bộ ngành có những chính sách ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, khi nói đến CCHC thì ngành Công Thương cũng được cơ quan truyền thông, doanh nghiệp, kể cả các tổ chức quốc tế nhắc đến nhiều nhất trong các ngành ở nước ta.

Dưới áp lực như vậy, thời gian qua, với quyết tâm nhằm giảm thiểu đến mức tối đa các TTHC, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, theo tôi Bộ Công Thương đã có những thành công quan trọng và tích cực từ việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho đến việc phân cấp, phân quyền theo chức năng, nhiệm vụ cho các cơ quan bên trong của Bộ và các địa phương rõ ràng hơn về trách nhiệm, tiêu chí…

Qua đó, tháo gỡ được nhiều vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; các quy định về TTHC được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn đặt ra.

Cải cách hành chính đã đem lại kết quả tích cực
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME)

Đặc biệt, việc tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa” đối với tất cả các TTHC trong các lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý tại Phòng Tiếp nhận và trả kết quả của Bộ; cũng như tính đến hết năm 2018, Bộ Công Thương đã xóa bỏ khoảng 420/720 mã HS hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, giúp tiết kiệm hơn 40.000 ngày công mỗi năm; năm 2017, 2018, Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh trên tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%); năm 2019, 2020, thêm 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương được cắt giảm… chính là dấu ấn, kết quả rất có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Vậy theo ông những đột phá về CCHC của Bộ Công Thương, ngành Công Thương đã có tác động tích cực ra sao đến hoạt động cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua cũng như giai đoạn phục hồi kinh tế?

Như tôi đã nói, Bộ Công Thương có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, việc Bộ Công Thương chủ trương thúc đẩy cải cách mạnh mẽ về TTHC, điều kiện kinh doanh với một quyết tâm cao, vì doanh nghiệp, vì người dân đã mang lại nhiều giá trị thiết thực cho môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao nỗ lực này của Bộ Công Thương.

Cục thể, các điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, TTHC đỡ phức tạp, rườm rà; thời gian làm thủ tục nhanh hơn qua đó tiết giảm được chi phí, tăng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Điều này càng có có ý nghĩa hơn đới với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cũng như doanh nghiệp siêu nhỏ và hội kinh doanh trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt.

Trước tác động dịch Covid-19 cũng như quá trình thúc đẩy phục hồi kinh tế, xã hội theo chủ trương của Chính phủ, tôi cho rằng việc tiếp tục đẩy mạnh CCHC của ngành Công Thương, Bộ Công Thương lại càng quan trọng, vì số lượng doanh nghiệp liên quan đến ngành Công Thương chiếm cơ cấu đến hơn 60% số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Với ý nghĩa đó, cộng đồng kinh doanh tiếp tục đặt kỳ vọng, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thực hiện chủ trương cải cách TTHC, cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc: Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh một cách quyết liệt hơn, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phục hồi, phát triển bứt phá sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có những đề xuất, kiến nghị và mong muốn cụ thể nào đối với công tác CCHC của ngành Công Thương cũng như Bộ Công Thương, thưa ông?

Mong muốn của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp là Bộ Công Thương tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 trong lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, phụ trách.

Đối với các hoạt động thương mại quốc tế, đề nghị Bộ Công thương quan tâm nhiều hơn đến hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt dộng liên quan đến TTHC tại các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Thành lập đường dây nóng của cơ quan Thương vụ Việt Nam ở các thị trường này nhằm hỗ trợ mạnh mẽ; kịp thời các vướng mắc phát sinh đến các quy tắc xuất xứ hàng hoá, các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt các thủ tục liên quan đến hành chính tại các thị trường các quốc gia là đầu xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng Bộ Công Thương luôn tỏ rõ quan điểm cầu thị, tiếp thu lắng nghe từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân để tiếp tục sửa đổi bổ sung các quy định quản lý nhà nước cho hoàn thiện, thích ứng với điều kiện thực tế và các cam kết hội nhập.

Xin cảm ơn ông!

 

Tác giả: Hoa Quỳnh (thực hiện)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm