Bình Dương: Tập trung xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
Các đơn hàng xuất khẩu đang có xu hướng giảm trong 2 tháng đầu năm, Bình Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các đơn hàng - thị trường xuất khẩu chính sụt giảm
Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, do chịu nhiều tác động, ảnh hưởng chung của tình hình thế giới, kinh tế trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nên một số chỉ tiêu kinh tế như sản xuất công nghiệp, xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bình Dương đều giảm so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của tỉnh Bình Dương 2 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 671 triệu USD, giảm 33,7% so với cùng kỳ |
Đáng chú ý, các đơn hàng xuất khẩu đang có xu hướng giảm; lũy kế trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương đạt gần 4,54 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính trong 2 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ. Đơn cử như xuất khẩu sản phẩm gỗ giảm 33,7%, dệt may giảm 8,4%, giày da giảm 9,9%... Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông đều giảm sâu từ 18,8% đến 23,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, hiện nay chỉ có 72% doanh nghiệp có đơn hàng đến hết tháng 3/2023, số còn lại đang cạn dần, một số doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng hoặc cắt giảm công suất.
“Hiệp hội Dệt may đang nỗ lực tìm mọi cách thức để hỗ trợ thêm doanh nghiệp về đơn hàng. Các doanh nghiệp cũng tận dụng thời gian này để cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu” - Bà Phan Lê Diễm Trang thông tin.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương (BIFA) - cũng cho biết: Thị trường xuất khẩu ngành gỗ gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 671 triệu USD, giảm 33,7% so với cùng kỳ.
“Tùy theo từng phân khúc của ngành gỗ, có nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được đơn hàng, nhưng có những phân khúc đơn hàng chỉ có 40-50%, thậm chí trống đơn hàng. “Trước đây, rất nhiều doanh nghiệp làm 3 ca, nay chỉ làm 1,5-2 ca để giữ mức lương cơ bản và quan trọng là giữ chân công nhân” - ông Nguyễn Liêm chia sẻ.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương giảm mạnh so với cùng ký do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng xuất khẩu… Trong đó, sự sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Trong bối cảnh quốc tế đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của nước ta trong những tháng đầu năm, ở góc độ cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Bộ Công Thương đã và đang tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại hàng tháng để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ngành Công thương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định thương mại tự do và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa |
Trong đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường, nhất là khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh… và các thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu...
Còn ở góc độ địa phương, theo ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Dương tập trung triển khai các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu như: Xúc tiến tìm đơn hàng các thị trường như Ấn Độ, châu Âu (EU), Trung Quốc, Trung Đông... để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động.
Đồng thời, Sở cùng các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác tốt lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bình Dương.
“Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp cần phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường đã thực thị các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu” - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nêu khuyến nghị.