A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo chí nước ngoài lạc quan về kinh tế Việt Nam

Theo Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại, trong tháng 3/2025, báo chí nước ngoài nhận định tích cực, lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ

Cụ thể, trên báo chí nước ngoài đã đăng tải nội dung thông tin như: Ngân hàng Thế giới (WB) nâng mức dự báo GDP Việt Nam năm 2025 lên 6,8%, cao hơn kỳ công bố trước đó (6,6%), đồng thời dự báo lạm phát dự kiến sẽ ổn định ở mức 3,5% trong các năm 2025 - 2026, thấp hơn mục tiêu 4,5 - 5% cho năm 2025.

Mục tiêu quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ USD
Kinh tế Việt Nam năm 2025 hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ

Theo WB, các hoạt động kinh tế và dịch vụ trong nước tiếp tục được củng cố trong năm 2025 và sang năm 2026 do được tạo đà khi thị trường bất động sản phục hồi.

Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài và thương mại dự kiến vẫn là những động lực tăng trưởng quan trọng trong các năm 2025 - 2026. Tài khoản vãng lai được dự báo vẫn đạt thặng dư, chủ yếu nhờ cán cân thương mại hàng hóa. Trong đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn ổn định trong ngắn và trung hạn do các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và một lần nữa sẽ là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Á năm 2025.

Tuy nhiên, có một số điểm Việt Nam cần lưu ý đó là lực cầu bên ngoài đang cho thấy dấu hiệu yếu hơn so với năm ngoái, chỉ số PMI ngành sản xuất cũng có những tín hiệu cho thấy lực cầu đang suy yếu. Tốc độ tăng vốn đầu tư FDI thực hiện cũng thấp hơn so với cùng kỳ.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, Việt Nam cần: Bối cảnh toàn cầu thuận lợi, với lực cầu mạnh từ các đối tác thương mại chính như Mỹ, châu Âu; điều kiện toàn cầu bên ngoài thông thoáng, ví dụ như lãi suất toàn cầu không giảm.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần hiệu quả hơn, không chỉ tăng giải ngân đầu tư công mà cần tăng chất lượng đầu tư công. Mức nợ công cũng còn dư địa tài khoá để tăng, đặc biệt là các ngành hạ tầng giao thông, hạ tầng điện và phát triển về nguồn vốn con người; hệ thống ngân hàng cải thiện các hệ số an toàn vốn và tăng cường khung thể chế cũng như trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước về giám sát an toàn để có thể can thiệp sớm, phòng ngừa khủng hoảng một cách hữu hiệu.

Trên trang web của Tập đoàn Tư vấn kinh doanh quốc tế Kelmer Group (Anh) ngày 17/3 có nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2025 hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi sản xuất bùng nổ, thương mại mở rộng và đầu tư nước ngoài tăng. Bất chấp những bất ổn toàn cầu, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ vượt trội hơn nhiều quốc gia cùng khu vực, củng cố vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

"Chìa khóa" đảm bảo sự ổn định lâu dài

Cũng theo đánh giá của trang web của Tập đoàn Tư vấn kinh doanh quốc tế Kelmer Group (Anh), Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, mang đến nhiều cơ hội tiếp cận thị trường hơn cho hàng xuất khẩu.

Việt Nam cũng là thành viên được coi trọng trong ASEAN và kể từ khi gia nhập năm 1995 đã đóng vai trò chủ động hơn trong định hướng của nhóm. Với các chính sách kinh doanh thuận lợi và vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Đồng thời, đánh giá cao việc triển khai đánh giá lại các quy tắc về thuế giá trị gia tăng hướng tới đơn giản hóa và làm rõ các quy định thuế quan trong khi cải thiện doanh thu thuế từ các hoạt động thương mại điện tử. Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững, từ đó mở ra thêm các cơ hội đầu tư vào công nghệ tài chính, thành phố thông minh và năng lượng tái tạo.

Để duy trì tăng trưởng và giảm thiểu rủi ro, Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào các biện pháp kích thích tài khóa, ưu đãi đầu tư và cải cách cơ cấu để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. Các chính sách hỗ trợ năng lượng xanh, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng và các quy định thân thiện với doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để đảm bảo sự ổn định lâu dài.

Sự ổn định chính trị và chính sách đối ngoại thân thiện vẫn là tối quan trọng để duy trì dòng chảy FDI quan trọng và đảm bảo cam kết lâu dài của các công ty nước ngoài. Việt Nam vẫn là nước hưởng lợi lớn nhất từ chính sách “Trung Quốc + 1”, song song với lợi ích từ việc di dời sản xuất của Trung Quốc do căng thẳng quốc tế và chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc.

Việt Nam vẫn là trung tâm thu hút các doanh nghiệp chuyển ra khỏi Trung Quốc, nhờ mức lương tương đối thấp và một nửa dân số dưới 35 tuổi. Tình hình chính trị ổn định và gần với chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như các chính sách thực sự tốt đang giúp Việt Nam tận dụng được nguồn lợi.

Việt Nam bước vào năm 2025 với quỹ đạo tăng trưởng bền bỉ, được hỗ trợ bởi nền tảng vững chắc và hoạch định chính sách chủ động. Dù vẫn còn những rủi ro từ bên ngoài, nhưng các khoản đầu tư chiến lược, đa dạng hóa thương mại và những tiến bộ công nghệ của quốc gia sẽ đưa Việt Nam vào vị trí thuận lợi để đạt được nền kinh tế bền vững.

Song, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nên chú ý đến các cơ hội mới nổi trong số hóa, công nghiệp xanh, tài chính và sản xuất khi Việt Nam tiếp tục định hình tương lai kinh tế của mình.

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và một lần nữa sẽ là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Á năm 2025.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm