Việt Nam có vai trò then chốt trong chống hối lộ nước ngoài
Ngày 31/3, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức hội thảo với chủ đề “Trách nhiệm của doanh nghiệp về liêm chính trong kinh doanh”.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Chính phủ phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TH
Đây là hoạt động hợp tác về phòng, chống tham nhũng trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Thanh tra Chính phủ Việt Nam và OECD giai đoạn 2022-2026.
Hội thảo nhằm mục đích trao đổi, thảo luận về các chuẩn mực quốc tế, nhất là Công ước OECD về chống hối lộ nước ngoài, đối chiếu với chính sách, pháp luật của Việt Nam về liêm chính trong kinh doanh, trách nhiệm pháp lý của pháp nhân, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thể chế hóa liên quan đến vấn đề này. Từ đó đề xuất kiến nghị hướng tới hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Cùng với minh bạch và trách nhiệm giải trình, liêm chính được coi là một trong những yếu tố then chốt tạo nên hệ thống quản trị tốt, hướng đến tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng.
“Một môi trường kinh doanh công bằng sẽ hình thành khi mỗi doanh nghiệp không tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, không bất chấp những giới hạn đạo đức của cộng đồng”- ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính là điều kiện không thể thiếu để Việt Nam tiếp tục thu hút các khoản đầu tư có chất lượng. Trong nhiều nỗ lực tăng cường liêm chính trong kinh doanh, năm 2022, Việt Nam đã giới thiệu bộ Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam. “Đây là công cụ đầu tiên đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, việc ban hành bộ chỉ số là một nỗ lực đáng ghi nhận”- ông Hùng cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của doanh nhân, doanh nghiệp thì hệ thống thể chế do Nhà nước ban hành luôn giữ vai trò quyết định. Cùng với đó, liêm chính kinh doanh không thể tách rời liêm chính công. Hành động của các cơ quan khu vực công phải đề cao và tôn trọng liêm chính công vụ. Sự liêm chính của chính quyền chính là điều kiện dẫn dắt cho văn hóa liêm chính trong kinh doanh.
Hội thảo của hôm nay nhằm mục đích trao đổi, thảo luận về các chuẩn mực quốc tế, nhất là Công ước OECD về chống hối lộ nước ngoài, đối chiếu với chính sách, pháp luật hiện hành của Việt Nam về liêm chính trong kinh doanh, trách nhiệm pháp lý của pháp nhân; chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thể chế hoá liên quan đến vấn đề này, từ đó đề xuất kiến nghị hướng tới hoàn thiện pháp luật trong nước trong thời gian tới.
Ông Hùng bày tỏ, hội thảo là cơ hội quý báu để các bên liên quan cùng thảo luận, chia sẻ về góc nhìn của mỗi bên. Với trọng trách của các cơ quan đồng tổ chức, mong rằng các đại biểu sẽ có những phát biểu, chia sẻ thẳng thắn và đúng vào chủ đề của hội thảo.
"Tôi hy vọng với sự tham gia tích cực, chủ động của các quý vị đại biểu, các đồng nghiệp, nhất là các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chúng ta có thể đi đến thống nhất về các giải pháp, khuyến nghị, góp phần hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về liêm chính trong kinh doanh trong thời gian tới”- ông Hùng nói.
Ông William Loo nhấn mạnh việc hợp tác với Việt Nam thúc đẩy kinh doanh liêm chính và chống hối lộ nước ngoài. Ảnh: TH
Tại hội thảo, ông William Loo, Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp OECD cảm ơn Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã đồng hành, phối hợp với OECD tổ chức hội thảo này.
Ông William Loo nhấn mạnh OECD củng cố và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh doanh liêm chính và chống hối lộ nước ngoài.
Đồng thời, ông mong muốn Việt Nam quan tâm hơn nữa các hoạt động OECD. Ngược lại OECD sẽ đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy hơn nữa để nâng cao vai trò Việt Nam trên trường quốc tế và hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các diễn giả trình bày tham luận về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với hối lộ nước ngoài theo Công ước Chống hối lộ nước ngoài của OECD; vai trò của kinh doanh liêm chính trong vấn đề trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với hối lộ nước ngoài; việc thực thi trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với hối lộ nước ngoài ở quốc gia cụ thể; trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp trong hối lộ và tham nhũng ở Việt Nam…
Tham luận tại hội thảo, ông Eliot Evain-Wilkes, chuyên gia phân tích chính sách và pháp luật, Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp, OECD cho biết, tại Công cước Chống hối lộ của OECD đã đưa ra các biện pháp chống hối lộ như: Quyết tâm và hành động của lãnh đạo công ty; chính sách nội bộ rõ ràng; các biện pháp cho từng cá nhân ở tất cả các cấp trong công ty, bao gồm cả các chi nhánh. các biện pháp liên quan đến các bên trung gian và các đối tác khác và kiểm soát nội bộ.
Trên cơ sở đó, OECD đưa ra một số hướng dẫn về các biện pháp của Nhà nước nhằm tăng cường liêm chính trong kinh doanh như: Phản ánh vai trò gia tăng của khu vực tư nhân trong thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh; phản ánh cách thức các chính phủ đang tăng cường sử dụng biện pháp tạo động lực như một công cụ đầy sức mạnh để thúc đẩy chống tham nhũng hiệu quả; thông qua khen thưởng các doanh nghiệp tuân thủ các chuẩn mức chống tham nhũng và tự nguyện ban hành và thực hành đạo đức vượt lên cả những yêu cầu tối thiểu của pháp luật.
Đồng thời, nêu bật những chuẩn mục quốc tế mới nhất, bao gồm cả UNCAC, Công ước Chống hối lộ của OECD và khuyến nghị về chống hối lộ năm 2021 của OECD.
Trong đó, vai trò của Chính phủ là hướng dẫn và tuyên truyền nâng cao nhận cho các doanh nghiệp; thiết lập một khuôn khổ pháp lý và thực thi khuôn khổ đó; đồng thời tạo động lực cho khu vực tư nhân.
Đối với vai trò của khu vực tư nhân, theo ông Eliot Evain-Wilkes, cần xây dựng mô hình kinh doanh liêm chính; xây dựng các chương trình tuân thủ phòng, chống tham nhũng hiệu quả và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường minh bạch, tách nhiệm giải trình và báo cáo công khai.
Ông nhấn mạnh: Cuộc chiến chống tham nhũng là trách nhiệm chung của Chính phủ và khu vực tư, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng có vai trò then chốt trong chống hối lộ nước ngoài.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TH
Liên quan đến trách nhiệm hình sự, ông Tim Postma, Cố vấn trưởng, Cơ quan Chống tội phạm doanh nghiệp và tham nhũng nước ngoài, Cảnh sát Liên bang Úc nhấn mạnh: Một pháp nhân (doanh nghiệp) có thể bị kết tội vì bất kỳ hành vi phạm tội nào theo Bộ luật Hình sự (Cth), bao gồm cả tội có thể bị phạt tù - điều này bao gồm tội hối lộ công chức nước ngoài.
Theo Phần 2.5, Bộ luật hình sự (Cth), nếu có thể chứng minh rằng một doanh nghiệp đã rõ ràng, ngầm định hoặc ngụ ý cho phép hoặc ủy quyền cho một trong những nhân viên, cán bộ hoặc đại lý của mình thực hiện hành vi hối lộ nước ngoài thì các yếu tố lỗi phải được quy cho doanh nghiệp.
Hình phạt tối đa đối với cá nhân bị kết tội hối lộ nước ngoài là phạt tù 10 năm và/hoặc phạt tiền 10.000 đơn vị phạt (hiện tại là 3,13 triệu đô la).
Đối với một doanh nghiệp, mức phạt tối đa là mức lớn hơn trong số 100.000 đơn vị phạt (hiện tại là 33 triệu đô la) hoặc nếu có thể xác định được giá trị của lợi nhuận mà doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp thu được, mức phạt gấp 3 lần giá trị của lợi nhuận đó,
“Nếu tòa án không thể xác định được giá trị của lợi nhuận đó, mức phạt là 10% doanh thu hàng năm của doanh nghiệp và các pháp nhân liên quan trong 12 tháng kết thúc vào cuối tháng mà hành vi cấu thành tội phạm xảy ra”- ông Tim Postma cho biết.