A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/8/2022

Nga lại dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu qua Nord Stream 1; Phó chủ tịch Quốc hội Đức kêu gọi kích hoạt Nord Stream 2; EC đồng ý kế hoạch hỗ trợ các công ty tiêu thụ nhiều năng lượng của Đức… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 20/8/2022.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/8/2022

Các đường ống trong hệ thống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters.

Nga lại dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu qua Nord Stream 1

Gazprom, tập đoàn năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Nga ngày 19/8 thông báo đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 kết nối Nga với Đức trong 3 ngày từ 31/8 đến ngày 2/9 để bảo trì turbine duy nhất còn lại, có chức năng bơm khí đốt vào đường ống này.

Thông báo nói rằng đợt bảo trì sắp tới sẽ được thực hiện với Siemens Energy (Đức) và sau khi công tác bảo trì hoàn thành và đảm bảo không còn vấn đề kỹ thuật nào nữa, lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ được phục hồi về mức 33 triệu mét khối/ngày, tức tương đương 20% công suất như hiện tại.

Thông tin trên khiến các hợp đồng khí đốt tương lai ở châu Âu lập tức tăng vọt đến 9% để thiết lập mức cao kỷ lục mới. Hồi giữa tháng 7, Gazprom cũng đã dừng vận hành đường ống Nord Stream 1 để bảo trì định kỳ trong 10 ngày và sau khi nối lại hoạt động, lưu lượng khí đốt qua đường ống này giảm còn 40%, rồi tiếp tục giảm xuống 20%.

Phó chủ tịch Quốc hội Đức kêu gọi kích hoạt Nord Stream 2

Phó chủ tịch Quốc hội Đức Wolfgang Kubicki ngày 19/8 nói rằng Đức nên cho phép đường ống Nord Stream 2 bơm khí đốt tự nhiên của Nga để lấp đầy các kho dự trữ trước mùa đông. "Nhận khí đốt từ Nord Stream 2 không trái đạo đức hơn từ Nord Stream 1. Nó chỉ là một đường ống khác", ông Kubicki nêu rõ.

Nhập khẩu thông qua Nord Stream 1 gần đây đã giảm xuống chỉ còn 20% công suất. Nga viện dẫn do việc chậm trả lại một turbine khí nhưng các quan chức Đức và EU cho rằng có "động cơ chính trị". Theo ông Kubicki, việc mở Nord Stream 2 sẽ kiểm tra xem Tổng thống Nga Vladimir Putin có sẵn sàng tăng các chuyến hàng khí đốt đến Đức hay không.

Một số thành viên Đảng Dân chủ tự do (FDP) đã chỉ trích lời kêu gọi của ông Kubicki. Người phát ngôn của lãnh đạo FDP - Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner - gọi đề xuất của ông Kubicki là "sai lầm và vô lý".

EC đồng ý kế hoạch hỗ trợ các công ty tiêu thụ nhiều năng lượng của Đức

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 19/8 đã bật đèn xanh cho kế hoạch trị giá 27,5 tỉ euro (27,6 tỉ USD) của Đức giúp các công ty Đức giảm nguy cơ phải chuyển sản xuất sang các nước nằm ngoài khối EU. Ngoài Đức, EC cũng đã bật đèn xanh cho các chương trình tương tự với quy mô nhỏ hơn của Hà Lan và Phần Lan.

Theo bà Margrethe Vestager - Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, chương trình 27,5 tỉ euro sẽ bù đắp cho giá điện cao hơn mà các công ty phải chi trả theo hệ thống buôn bán khí thải của EU. Theo quy định của Đức, các công ty sử dụng nhiều năng lượng đủ điều kiện được hỗ trợ sẽ được hoàn một phần chi phí phát sinh giai đoạn 2021-2030.

Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng cho rằng việc phải chi trả cho lượng khí phát thải thông qua Hệ thống Thương mại khí thải EU (ETS) - công cụ chính để thực thi chính sách khí hậu của khối, khiến họ gặp bất lợi so với các ngành ngoài EU. Trong tình trạng giá năng lượng tăng cao, một số công ty buộc phải chuyển sang sử dụng than đá vốn thải nhiều carbon hơn.

Trung Quốc nhập dầu thô nhiều nhất từ Nga

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu mỏ của Nga đạt tổng cộng 7,15 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung từ Nga trong tháng 7 tương đương khoảng 1,68 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức kỷ lục là gần 2 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Trung Quốc cũng là khách hàng lớn nhất của dầu mỏ Nga.

Tính chung từ đầu năm đến nay, lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã lên tới 48,45 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn thấp hơn từ Saudi Arabia, nước cung cấp 49,84 triệu tấn, thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sức mua mạnh đối với dầu thô của Nga đã khiến lượng dầu nhập từ Angola giảm 27% và Brazil giảm 58%. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cho biết trong tháng trước, nước này không nhập khẩu dầu từ Venezuela và Iran. Nhập khẩu từ Saudi Arabia, đứng thứ 2 trong tháng 7 đạt 6,56 triệu tấn.

Nhập khẩu than Nga của Trung Quốc chạm mức cao nhất 5 năm

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu 7,42 triệu tấn than từ Nga vào tháng 7. Đó là con số nhập khẩu than hàng tháng cao nhất kể từ khi số liệu thống kê bắt đầu được so sánh vào năm 2017 và tăng 14% so với một năm trước đó.

Nhập khẩu than Nga tăng do Trung Quốc mua được than giảm giá trong bối cảnh các nước phương Tây đang tránh vận chuyển hàng hóa từ Nga trước lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với than đá của Nga có hiệu lực vào ngày 11/8. Lệnh cấm đã buộc Nga phải nhắm mục tiêu vào những khách hàng khác như Trung Quốc và Ấn Độ, với giá bán chiết khấu cao.

Tính tới cuối tháng 7, than nhiệt của Nga với giá trị gia nhiệt là 5.500 kilocalories (kcal) được giao dịch quanh mức 150 USD/tấn đã bao gồm cả cước vận chuyển (CNF), trong khi than có cùng chất lượng tại cảng Newcastle của Australia được bán với giá hơn 210 USD/tấn và chỉ là giá tại cửa khẩu bên bán, không gồm chi phí vận chuyển tới nước nhập khẩu (FOB).

T.H


Tác giả: Nga lại dừng cung cấp khí đốt sang châu Âu qua Nord Stream 1
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm