Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 chính thức chuyển giao cho EVN
Trưa ngày 4/1, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký biên bản bàn giao và tiếp nhận Nhà máy điện Phú Mỹ 2,2 giữa Bộ Công Thương, Công ty Mê Kông và EVN.
Sự kiện với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, cùng đại diện các Cục, vụ liên quan của Bộ Công Thương; ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các phòng, ban chức năng; ông Augusto, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Mêkông.
Góp phần đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ngay từ khi mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm, chỉ đạo, thúc đẩy việc phát triển các dự án nguồn điện theo nhiều phương thức đầu tư đa dạng khác nhau, trong đó có đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, gọi là hợp đồng BOT).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và ông Augusto -Tổng Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Mêkông. Ảnh: Thu Hường |
Trong bối cảnh đó, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 đã ra đời. Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 là dự án nguồn điện 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên được Chính phủ Việt Nam lựa chọn các nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế.
Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 có quy mô công suất 715 MW tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp, sử dụng nguồn khí trong nước và do 3 nhà đầu tư nước ngoài thực hiện gồm: EDF (Pháp), Sumitomo và JERA (Nhật Bản). Đây là dự án BOT đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép thông qua đấu thầu quốc tế.
Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 chính thức chuyển giao cho EVN quản lý vận hành. Ảnh: Thu Hường |
Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 04 tháng 2 năm 2005 và sau nhiều năm nỗ lực hợp tác cùng các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như đóng góp từ đội ngũ kỹ sư, tư vấn, các nhà thầu, các cán bộ quản lý và vận hành, đến nay, Nhà máy đã kết thúc thời hạn vận hành theo quy định tại Hợp đồng BOT để chuyển giao cho phía Việt Nam mà đại diện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Sau thời hạn 20 năm vận hành an toàn và ổn định, vào lúc 00h00 ngày 04/02/2025 Nhà máy đã được chuyển giao thành công cho EVN tiếp tục vận hành và khai thác.
Việc thực hiện thành công Dự án từ khi mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đến khi chuyển giao cho EVN đã thể hiện đường lối, chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa phương thức đầu tư đối với những dự án kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau khi tiếp nhận, chuyển giao nhà máy, Tập đoàn EVN sẽ tiếp tục khai thác, vận hành và dự kiến Nhà máy sẽ đóng góp khoảng 4,6 tỷ kWh điện mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và ổn định hệ thống điện, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu, lợi ích của người dân.
Tham dự lễ ký kết có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, EVN, Mê Kông. Ảnh: Thu Hường |
Từ khi đi vào vận hành đến nay, Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 đã cung cấp hơn 90 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam.
Được biết, quá trình chuyển giao sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng, bao gồm các hoạt động đào tạo nhân lực, bảo trì thiết bị và hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Đảm bảo quản lý, vận hành an toàn, phát huy hiệu quả dự án
Trong cùng ngày 04/02/2025, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện EVNGENCO3 (EPS) – đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) đã chính thức nhận nhiệm vụ tiếp nhận quản lý vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng (O&M) Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 theo dạng hợp đồng dịch vụ.
Để duy trì các tổ máy vận hành an toàn, hiệu quả, EVNGENCO3 yêu cầu Công ty EPS tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, xây dựng quy trình O&M, nâng cao hiệu quả công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa để hai tổ máy luôn sẵn sàng đáp ứng tốt phương thức huy động của Hệ thống điện quốc gia, đặc biệt trong mùa khô năm 2025. Đồng thời, công ty cần duy trì công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội tại địa phương.
Đại diện các bên tham gia lễ ký kết. Ảnh: Thu Hường |
Việc tiếp nhận Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 tiếp tục đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Công ty EPS. Đây là nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp thứ hai mà EPS đảm nhận quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa sau Nhà máy điện Phú Mỹ 3 (được tiếp nhận từ tháng 03/2024), góp phần nâng cao thương hiệu của Công ty EPS trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận hành, sửa chữa các nhà máy điện.
Bộ hợp đồng dự án và Hợp đồng BOT được ký ngày 18/9/2001; nhà máy bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 04/02/2005 với thời hạn 20 năm và được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 04/02/2025 sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng. Chủ đầu tư thành lập Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông để quản lý, vận hành nhà máy. Ngày 25/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1223/TTg-KTTH về việc chuyển giao các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2, trong đó giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, vận hành, kinh doanh, bảo trì và bảo quản các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2; Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận các nhà máy điện nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 04/12/2023, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8610/BCT-ĐL đề nghị EVN thực hiện các nhiệm vụ liên quan để chuyển giao tiếp nhận các nhà máy điện (NMĐ) BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2. Hội đồng thành viên EVN đã thông qua việc thuê EVNGENCO3 quản lý vận hành và sửa chữa bảo dưỡng NMĐ BOT Phú Mỹ 2.2 sau khi EVN tiếp nhận (cùng với NMĐ BOT Phú Mỹ 3 đã tiếp nhận trước đó. |