A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Đang chờ Chính phủ cho phép thi công trở lại

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng hiện đang chờ Chính phủ cho phép thi công trở lại sau khi hoàn thành công tác thi công khối sạt đợt 1,2,3 giai đoạn 1.

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng được khởi công ngày 10/01/2021 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và đến ngày 20/10/2021, phát hiện khối sạt phát triển ngoài biên hố móng nhà máy nên việc thi công tạm dừng.

Sau khi sạt trượt xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Văn bản số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021 của Văn phòng Chính phủ và Công điện số 1542/CĐ-TTg ngày 07/11/2021, các cơ quan chức năng gồm Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Hòa Bình cùng với EVN, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công, đã tiến hành kiểm tra hiện trường, họp bàn các giải pháp, thống nhất chỉ đạo EVN và các bên liên quan xử lý sạt trượt đảm bảo an toàn cho các hạng mục và công trình xung quanh, thực hiện theo các giai đoạn.

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Đang chờ Chính phủ cho phép thi công trở lại

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã kiểm tra thực tế và làm việc với các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, EVN cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình vào ngày 28.7.2022. Ảnh Cấn Dũng

Đại diện chủ đầu tư, ông Bùi Phương Nam- Giám đốc Ban Quản lý dự án điện 1 thuộc Tập đoàn EVN (EVNPMB1) cho biết: “Công tác thi công xử lý khối sạt đợt 1, 2, 3 giai đoạn 1 đã được EVN tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành, tuân thủ phương án thiết kế đã được Bộ Công Thương thẩm định, thông qua. Toàn bộ khối sạt cơ bản đã được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho khu vực hố móng nhà máy và khu vực bãi quay xe chân tượng đài Bác Hồ”.

Ngày 29/7/2022, EVN đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị xin phép thi công trở lại công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, trước đề nghị trên Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với liên danh các nhà thầu, đơn vị tư vấn và EVN để nắm bắt tình hình.

Ngày 8/8/2022 Bộ Công Thương đã có văn bản 131/BC-CT Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Báo cáo nêu rõ đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021.

Theo đó, Bộ Công Thương đã nhất trí với đề xuất của EVN về kết quả rà soát đánh giá tổng thể dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng và việc đề nghị cho phép thi công dự án trở lại công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Cũng theo ông Bùi Phương Nam thì việc đầu tư xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia trong những năm sau 2025, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong tình hình thay đổi cơ cấu nguồn điện hiện nay.

“Tuy nhiên, cho đến nay, dự án đã phải dừng thi công được 10 tháng, gây khó khăn rất lớn cho chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, hiệu quả đầu tư dự án”, ông Bùi Phương Nam chia sẻ.

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Đang chờ Chính phủ cho phép thi công trở lại

Ông Bùi Phương Nam báo cáo tình hình thực hiện dự án với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vào ngày 28.7.2022. Ảnh Cấn Dũng

Trong Hồ sơ đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng gửi lên Bộ Công Thương, EVN cũng đã khẳng định về tính chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nôi dung đề nghị cho phép thi công ở lại đối với dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

“Quá trình thi công tiếp theo, EVN có trách nhiệm bảo đảm tuyệt đối an toàn trên công trường, an toàn tuyệt đối cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu, công trình tượng đài Bác Hồ và công trình phụ cận liên quan”, ông Bùi Phương Nam chia sẻ.

Cũng chia sẻ về các kiến nghị của Liên danh nhà thầu về vấn đề điều chỉnh giá do biến động của giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào cũng như chi phí phát sinh mà các nhà thầu phải chờ đợi trong quá trình dừng thi công và tỷ lệ thanh toán giữ lại sau khi nghiệm thu từng hạng mục công việc.

Trả lời về vấn đề này ông Bùi Phương Nam cũng cho biết, đối với vấn đề điều chỉnh giá, đây là hợp đồng đơn giá cố định. Cho nên, trường hợp giá cả vật tư vật liệu tăng bất thường chỉ được phép điều chỉnh khi cấp có thẩm quyền cho phép, đồng thời cũng phải xem xét đến các yếu tố điều chỉnh tăng so với tổng mức đầu tư và thẩm quyền trong trường hợp thay đổi.

Hiện Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và giải pháp tháo gỡ.

Theo đó, Bộ Xây dựng mới có kiến nghị giải pháp cho hợp đồng điều chỉnh giá, còn đối với hợp đồng trọn gói hay đơn giá cố định thì hiện nay chưa có giải pháp cụ thể, Bộ Xây dựng vẫn đang nghiên cứu, phối hợp cùng các Bộ, Ngành và các địa phương để tổng hợp báo cáo.

Liên quan đến việc đề nghị chi phí phát sinh do Dự án dừng thi công, việc này Ban Quản lý dự án 1 và Liên danh nhà thầu đã làm việc cụ thể và mới ghi nhận các ý kiến của nhà thầu, đồng thời phối hợp với nhà thầu để rà soát chuẩn bị hồ sơ chứng minh trong thời gian từ tháng 11/2021 đến nay liên quan đến nhân lực, máy móc thi công, biện pháp đảm bảo môi trường, an ninh, trật tự khu vực thi công…Về phía nhà thầu, hiện đang đang tập hợp hồ sơ. Trên cơ sở đó Ban sẽ rà soát lại các quy định để báo cáo Chủ đầu tư có kiến nghị theo quy định

Đối với kiến nghị của nhà thầu thay tỷ lệ giữ lại của hợp đồng, công tác lựa chọn nhà thầu của gói thầu trên đảm bảo các quy định và được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, sơ đồ thanh toán cũng như tỷ lệ giữ lại đã được Bên mời thầu/Chủ đầu tư xây dựng và đưa vào hồ sơ mời thầu phù hợp. Việc nhà thầu dự thầu với phương án kỹ thuật và tái chính phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu và được lựa chọn. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án 1 hết sức chia sẻ những khó khăn của nhà thầu và tạo điều kiện tối đa trong công tác nghiệm thu thanh toán các công việc hoàn thành như là giải pháp để sớm giải ngân vốn để tháo gỡ khó khăn và triển khai các công việc của Dự án.

Với giải thích và giải pháp nêu trên, nhà thầu cũng thống nhất với Ban và sẽ phối hợp đẩy nhanh công tác hoàn thiện hồ sơ để sớm được thanh toán các công việc đã hoàn thành, giữ nguyên các quy định của hợp đồng.

Hiện nay, việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc rất cần thiết là việc Dự án sớm được thi công trở lại để các bên, nhà thầu tăng cường lực lượng, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công bù đắp phần nào tiến độ tổng thể trong thời gian vừa qua cũng như giải pháp phần nào tháo gỡ khó khăn huy động nhân lực, máy móc cho nhà thầu. Tuy nhiên, với mặt bằng thi công cũng như điều kiện tự nhiên của dự án mở rộng, việc tăng cường lực lượng thi công cũng như rút ngắn tiến độ là hết sức khó khăn, hạn chế nhất định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm