Đối thoại về chuyển dịch năng lượng bền vững
Ngày 22/11, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Đối thoại quốc gia "Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, tài chính và công nghệ".
Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo và kỳ vọng các bạn Đức sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vai trò của Quốc hội Đức. Ông Nguyễn Đức Hải kỳ vọng hội thảo sẽ có nhiều thông tin, cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021.
Những năm gần đây, Việt Nam nổi lên là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao. Nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng lớn. Để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Đặc biệt, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đối thoại quốc gia về “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, tài chính và công nghệ”
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Quốc hội Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình triển khai Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam và thúc đẩy lộ trình chuyển dịch năng lượng quốc gia thông qua chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ đôn đốc hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển năng lượng như: Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung cứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 63, trong đó yêu cầu Chính phủ “triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đột phá nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế carbon thấp để hướng tới phát triển bền vững”.
Bên cạnh nỗ lực tự thân và nguồn lực trong nước, Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, các đối tác quốc tế, đặc biệt là Cộng hòa Liên bang Đức, một quốc gia có nhiều hành động quyết liệt và giàu kinh nghiệm về chuyển dịch năng lượng.
Quốc hội Việt Nam mong muốn các đối tác Đức và Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á tiếp tục tăng cường hợp tác trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước phát triển tiếp tục thúc đẩy thực hiện những cơ chế hỗ trợ tài chính, công nghệ, tri thức, kỹ năng quản trị cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, Quốc hội Việt Nam luôn mong muốn được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng cập nhật những kết quả Hội nghị COP 27; trao đổi, thảo luận và chia sẻ về kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức, Indonesia và các nước khác trong khu vực về lộ trình chuyển dịch năng lượng hướng tới Net-zero, vai trò của khoa học, công nghệ, tài chính trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng… Qua đó, có những khuyến nghị đối với quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Thúc đẩy lộ trình chuyển dịch năng lượng, thực hiện mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner khẳng định: Chuyển dịch năng lượng công bằng hiện đang là một thách thức toàn cầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra với giá năng lượng tăng phi mã một lần nữa đặt ra sự cấp thiết phải đầu tư vào một cơ cấu năng lượng đa dạng, đặc biệt với các nguồn năng lượng tái tạo sạch, chi phí hợp lý và an toàn.
Với tư cách là Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, Đại sứ Guido Hildner bày tỏ sự ấn tượng và tự hào với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo ở Việt Nam, với hơn 20 GW công suất năng lượng tái tạo trong vòng 3 năm trở lại đây. Đây là một thành quả được thế giới đánh giá cao và đã tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết năm ngoái. Điều quan trọng lúc này là duy trì đà tăng trưởng và phát huy thành quả đã đạt được một cách mau lẹ và có chiến lược phù hợp.
Đại sứ Guido Hildner cho rằng, chuyển dịch năng lượng công bằng phải là sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế. Năm 2021, Đức đã đóng góp khoảng 8,1 tỷ Euro cho các cơ chế tài chính khí hậu quốc tế khác nhau, bao gồm cả hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Chính phủ Đức rất vinh hạnh khi hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững nói chung và chuyển dịch năng lượng nói riêng, trong đó có thể kể đến các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Đức thông qua GIZ như hỗ trợ thiết kế các biểu giá điện hỗ trợ (FIT), nhờ đó thúc đẩy phát triển thị trường điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam.
Theo Đại sứ Guido Hildner, chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ chỉ thành công khi có sự chung tay, hợp tác tích cực của các tổ chức, cơ quan Nhà nước để thực hiện những thay đổi cần thiết trong tất cả các lĩnh vực liên quan của nền kinh tế. Trên tinh thần đó, với vai trò là đối tác tin cậy và lâu dài, Đức luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tham vọng về năng lượng và khí hậu của quốc gia.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị, chuyên gia cũng đã đưa ra các khuyến nghị, giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc trong chính sách, pháp luật của Việt Nam và việc tổ chức thực thi liên quan đến quản trị, tài chính và công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Tiến Đạt