Bản tin Năng lượng Quốc tế 17/11: Chính phủ Thụy Sĩ cảnh báo người tiêu dùng khí đốt
PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.
1. Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 85,59 USD/thùng - giảm 1,53%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 92,86 USD/thùng - giảm 1,07%.
Trong phiên giao dịch một ngày trước đó, giá dầu có thời điểm tăng sau sự cố liên quan đến một tàu thương mại ngoài khơi Oman, nhưng việc dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Trung Quốc đã hạn chế mức tăng.
2. Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais ngày 16/11 nói rằng tổ chức này sẵn sàng "can thiệp vì lợi ích của thị trường dầu mỏ", kênh truyền hình Al-Arabiya thuộc sở hữu của Ả Rập Saudi đưa tin.
Vào đầu tháng 10, OPEC+ đã công bố kế hoạch giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11/2022, một động thái khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden tức giận, người đã chỉ trích tổ chức này vì đã thông đồng với Nga để giữ giá dầu ở mức cao.
3. Chính phủ Thụy Sĩ đã cảnh báo những người tiêu dùng khí đốt lớn vào ngày 16/11 rằng họ có thể cắt nguồn cung cấp nếu đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng đòi hỏi phải phân phối lại, Reuters đưa tin.
Giới chức Thụy Sĩ đã tiết lộ rằng, trong các cuộc tham vấn về cách xử lý các tình huống xấu nhất, việc cắt nguồn cung tới các khách hàng có mức tiêu thụ lớn có thể là cách nhanh nhất để tiết kiệm một lượng lớn năng lượng.
4. Indonesia, công ty khai thác niken lớn nhất thế giới, đã đề xuất với Canada thành lập một nhóm các nhà sản xuất niken lớn nhất tương tự như nhóm OPEC để phối hợp và thống nhất các chính sách về mặt hàng niken, Bộ Đầu tư Indonesia cho biết.
Đề xuất này được Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia đưa ra trong cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada Mary Ng bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali.
5. Một số nhà máy lọc dầu lớn của Ấn Độ, cả tư nhân và nhà nước, đã không đặt hàng mua dầu của Nga sau ngày 5/12, ngày lệnh cấm vận của EU và cơ chế trần giá kèm theo đối với dầu của Nga chính thức có hiệu lực, Reuters đưa tin hôm 16/11.
Tập đoàn Reliance Industries của Ấn Độ, công ty vận hành trung tâm lọc dầu lớn nhất thế giới Jamnagar, cũng như Bharat Oil do nhà nước nắm giữ, đã không tìm cách mua dầu của Nga sau ngày 5/12, nhằm chờ thông tin rõ ràng về cách áp dụng trần giá.
Bình An