A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tối đa hiệu quả của năng lượng gió và mặt trời

Quan điểm của Chính phủ là phải khai thác tối đa năng lượng gió và mặt trời. Để làm được điều này, phải tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Phải tính toán khai thác tối đa nắng gió để phát điện

Việt Nam vốn là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và luôn được đánh giá là đầy tiềm năng để phát triển điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo. Chính vì vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương xây dựng trình Chính phủ ban hành.

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tối đa hiệu quả của năng lượng gió và mặt trời

Mới đây, kết luận của Thường trực Chính phủ sau cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: Quy hoạch điện VIII phải có tính khả thi để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống. Nhưng giá điện phải hợp lý với điều kiện của Việt Nam và không cao hơn các nước trong khu vực, nhất là giá điện gió và điện mặt trời.

Với điện gió, điện mặt trời, quan điểm của Thường trực Chính phủ là tăng nguồn điện gió với quy mô phù hợp, khả thi. Thường trực Chính phủ kết luận: "Gió, nắng không ai lấy được của ta và cũng không phải mua; do vậy, phải tính toán khai thác tối đa, hiệu quả và hợp lý về giá bán điện (vì càng ngày công nghệ càng phát triển và sẽ giảm giá theo thời gian)".

Về quy hoạch nguồn điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2030, Thường trực Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục rà soát để bảo đảm hiệu quả kinh tế chung, tránh gây thiệt hại kinh tế, nhất là việc tính giá điện chưa hợp lý; đồng thời không hợp thức hóa cái sai. Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nguồn điện mặt trời áp mái với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia.

Thường trực Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát theo hướng giảm quy hoạch nguồn điện than đến năm 2030.

Như vậy, quan điểm của Chính phủ là bằng mọi giải pháp khai thác hiệu quả nguồn điện năng từ gió và năng lượng mặt trời. Để làm được điều này, vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Mặc dù chủ trương chung là đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng từ gió và năng lượng tái tạo, song hiện nay việc phát triển các nguồn điện này của doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn.

Đơn cử, Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có Văn bản số 6082 thông báo dừng khai thác công suất 172,12MW đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW kể từ 0h ngày 1/9.

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tối đa hiệu quả của năng lượng gió và mặt trời

Gần 2 năm qua, phần công suất 172,12MW đã phát lên lưới được EVN ghi nhận chỉ số song chưa được thanh toán tiền bán điện cho Trung Nam Group

Trước đó, EVN từng có văn bản thông báo sẽ ngưng mua phần công suất chưa có giá điện (40% trên tổng công suất dự án) vào 2/2022 nhưng sau đó thu hồi văn bản.

Phản hồi thông báo cắt điện của EVN, phía Trung Nam cho biết doanh nghiệp này đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và Công ty Mua bán điện để kiến nghị tiếp tục huy động công suất chưa có giá bán điện.

Theo Trung Nam, dự án điện mặt trời 450MW là dự án đầu tư có điều kiện được Ninh Thuận lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã xây dựng trạm biến áp, đường dây 500kV với tổng kinh phí gần 2.000 tỉ đồng và sẽ bù đắp bằng doanh thu bán điện từ việc khai thác toàn bộ công suất dự án 450MW.

Trung Nam cho hay, do chưa xác định giá nên phần công suất 172,12MW này chưa được thanh toán tiền bán điện trong khi do Covid-19 nên dự án cũng bị cắt giảm công suất phát kéo dài. Trong khi đó, nhà đầu tư đang gánh chịu phần chi phí truyền tài cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đã tác động rất xấu đến dòng tài chính của nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ cam kết với đơn vị tài trợ vốn.

Khi dừng huy động 40% công suất của dự án, đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500kV do chính nguồn vốn của Trung Nam đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải giải tỏa công suất. Đây là một thiệt thòi quá lớn và không công bằng cho nhà đầu tư.

Theo hợp đồng mua bán điện đã ký với EVN, Trung Nam cho rằng việc dừng huy động công suất chưa có giá điện là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận giữa Trung Nam và EVN.

Trong khi đó, phía Trung Nam cũng cho biết trong thời gian chờ bàn giao đường dây và trạm biến áp 500kV cho EVN, dự án này đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận với tổng sản lượng "truyền tải hộ" lên đến 4,2 tỉ kWh, tương ứng 360 tỉ đồng.

Do đó, phía Trung Nam đã đề nghị EVN xem xét tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án.

Lý do kiến nghị tiếp tục được Trung Nam cho rằng để tạo sự công bằng trong môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư đã chịu kinh phí xây dựng hệ thống trạm biến áp và đường dây 500kV và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính, tránh nguy cơ phá sản, đảm bảo khả năng duy trì hoạt động, vận hành hệ thống trạm biến áp 500kV…

Công ty cũng cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện thanh toán sau khi cơ chế giá được áp dụng, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện.

Theo đại diện Trung Nam, việc ngưng huy động một phần sản lượng nhà máy 450MW sẽ khiến cho hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đó phía Trung Nam vẫn nỗ lực để giải quyết, mong muốn có buổi làm việc giữa EVN, Bộ Công Thương và Trung Nam để tìm các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

UBND tỉnh kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp

Sau kiến nghị của doanh nghiệp, ngày 2/9, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản số 3805/UBND-KTTH về việc đề nghị tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá bán điện dự án nhà máy điện mặt trời 450MW tại huyện Thuận Nam.

UBND tỉnh nêu rõ, Dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch và đưa vào vận hành đồng bộ năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực. Dự án sau khi đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả, đóng góp quan trọng cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là giải quyết tình trạng quá tải lưới điện trong khu vực. Đồng thời là dự án đầu tiên cho tư nhân đầu tư hệ thống hạ tầng lới điện truyền tải giải tỏa công suất thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đến nay, Dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại hơn 22 tháng. Theo báo cáo Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam hàng ngày dự án đang phải truyền tải hộ công suất cho các dự án điện năng lượng khác trong khu vực thông qua trạm biến áp 500kV và đường dây 500kV đấu nối, sản lượng điện truyền tải hộ tính từ tháng 10/2020 đến nay là gần 4,2 tỷ kWh, tương ứng khoảng 360 tỷ đồng. Việc chịu chi phí quản lý vận hành Trạm biến áp 500kV Thuận Nam khiến Nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong việc trả nợ vay cho ngân hàng theo phương án tài chính của dự án.

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác tối đa hiệu quả của năng lượng gió và mặt trời

Trong thời gian chờ bàn giao đường dây và trạm biến áp 500kV cho EVN, dự án này đang chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận với chi phí khoảng 360 tỷ

Theo báo cáo của Nhà đầu tư tại văn bản số Văn bản số 279/022/CV/TNTNSP ngày 31/8/2022 thì việc dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của Công ty mua bán điện đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của Nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500 kV do chính nguồn vốn của Nhà đầu tư đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải giải tỏa công suất. Đây là một thiệt thòi rất lớn và không công bằng cho nhà đầu tư.

“Dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đúng theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng trạm biến áp 500 vV – đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và sẽ bù đắp bằng doanh thu bán điện từ việc khai thác toàn bộ công suất dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW, các chi phí này đã được ngân hàng thẩm định trong phương án vốn vay của dự án” – UBND tỉnh nêu rõ.

Đồng thời, theo ý kiến của Công ty TNHH điện mặt trời Trung NamThuận Nam tại Văn bản số 279/022/CV/TNTNSP ngày 31/8/2022 việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo khoản 5 điều 4 hợp đồng mua bán điện số 05/2020/HĐ-NMĐMT-THUANNAM.NT của dự án điện mặt trời 450MW với Tập đoàn điện lực Việt Nam “Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 điều này nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ công thương về việc một phần nhà máy điện hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại khoản 3 điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương.

Nhằm đồng hành, hỗ trợ Nhà đầu tư đã chịu kinh phí xây dựng hệ thống Trạm biến áp và đường dây 500kV giải tỏa công công suất điện năng lượng tái tạo cả khu vực, tạo môi trường đầu tư công bằng, công khai, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà đầu tư vượt qua khó khăn về tài chính tránh nguy cơ phá sản, đảm bảo khả năng duy trì hoạt động và vận hành hệ thống TBA 500kV an toàn, hiệu quả; UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo và kính đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án Nhà máy điện mặt trời điện mặt trời 450MW nhằm hỗ trợ Nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn và đảm bảo tính hiệu quả của dự án theo kiến nghị tại Văn bản 279/022/CV/TNTNSP ngày 31/8/2022.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm