A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 14/2023

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ thông tin việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Sớm thống nhất giá điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp

Cụ thể, tại Họp báo thường kỳ Chính phủ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Từ trước đến nay, cơ chế giá FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định chỉ trong khoảng thời gian nhất định.

Sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực, cơ chế giá điện cho các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió chuyển tiếp cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Để xây dựng khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xác định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Căn cứ theo quy định tại Thông tư này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã báo cáo Bộ Công Thương về kết quả tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió chuyển tiếp.

Sớm thảo thuận, thống nhất giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để đưa các dự án vào hoạt động. (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở kết quả tính toán do EVN trình, Bộ Công Thương đã lấy và tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và xem xét ý kiến của Hội đồng tư vấn. Sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió chuyển tiếp để làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư sớm thỏa thuận giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Theo đó, khung giá đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió.

Sau khi có khung giá điện này, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên, căn cứ vào các hướng dẫn trước đó tại các văn bản mà Bộ Công Thương đã ban hành.

Việc đàm phán về giá điện cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời các dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Bộ Công Thương mong muốn EVN và các chủ đầu tư sớm thảo thuận, thống nhất giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để đưa các dự án vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Đức chia sẻ kinh nghiệm về chuyển dịch năng lượng với Việt Nam

Theo GIZ, tiếp nối thành công của Đối thoại chuyển dịch năng lượng Berlin 2022, năm nay đoàn đại biểu Việt Nam gồm các đại diện từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Mạng lưới hiệu quả năng lượng Việt Nam và GIZ tiếp tục tham gia chương trình Đối thoại năm 2023 tại Berlin.

Chương trình là một phần trong chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại CHLB Đức từ ngày 25/3 đến ngày 2/4/2023 do GIZ hỗ trợ thực hiện với mục đích tăng cường đối thoại về chuyển dịch năng lượng giữa Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK), Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) và Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT).

Thông qua chuyến đi, đoàn làm việc đã có cơ hội tham quan thực địa các công trình năng lượng đang được vận hành tại Đức, cũng như tham gia những sự kiện bên lề về các chủ đề liên quan đến Hydrogen và công nghệ Power-to-X, cơ hội - thách thức trong sản xuất điện mặt trời ở Nam Á và Đông Nam Á, hay trao quyền cho phụ nữ trong hợp tác năng lượng toàn cầu.

Thực hiện chuyển dịch năng lượng dựa trên nền tảng cải thiện hiệu quả năng lượng và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo

Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn công tác đã có hai ngày tham dự Đối thoại chuyển dịch năng lượng Berlin vào ngày 28 - 29/3. Đây là một nền tảng chung cho phép các bên liên quan tham gia đối thoại và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm nhằm hướng đến mục tiêu chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Trong ngày 31/3, các đại biểu cũng có cơ hội tham dự hội thảo Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) do Đại sứ quán Việt Nam tại Đức phối hợp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU) tổ chức. Tại đây, đoàn đại biểu đã trao đổi về triển vọng của việc thực hiện JETP, ý nghĩa của JETP đối với việc giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như các giải pháp công nghệ liên quan.

Chuyến tham quan làm việc lần này được kỳ vọng sẽ giúp mở ra thêm nhiều ý tưởng cho quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam dựa trên nền tảng cải thiện hiệu quả năng lượng và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.

Bắc Giang chuẩn bị xây dựng nhà máy xử lý rác và phát điện 12MW

UBND TP Bắc Giang (Bắc Giang) vừa phê duyệt kết quả đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang.

Theo đó, đơn vị trúng đấu giá là liên danh Công ty CP Công nghệ môi trường xanh SERAPHIN và Công ty CP Điện gió Khe Sanh với mức giá gần 606 tỷ đồng, thời gian thuê đất 50 năm.

Hiện nhà đầu tư đang chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để xây dựng nhà máy xử lý rác và phát điện trên tổng diện tích gần 66 nghìn m2 tại phường Đa Mai với công nghệ đồng bộ, tiên tiến, khép kín (áp dụng công nghệ châu Âu, đốt rác không qua phân loại để phát điện).

Công trình gồm các hạng mục: khu điều hành, dịch vụ, tổng hợp; nhà máy; đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và giao thông. Dự kiến, nhà máy hoàn thành vào cuối năm 2024, có công suất xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt không phân loại/ngày đêm. Công suất phát điện lên lưới điện quốc gia khoảng 12MW.

Phối cảnh Nhà máy xử lý rác và phát điện của TP Bắc Giang

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu 20% (khoảng 293,6 tỷ đồng), còn lại là vốn vay ngân hàng thương mại và vốn huy động hợp pháp khác. Việc xây dựng nhà máy xử lý rác có phát điện nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, hướng tới xây dựng đô thị xanh, thông minh.

Nhà máy sẽ xử lý rác thải sinh hoạt cho TP Bắc Giang và một một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tận dụng nguồn nhiệt đốt rác để phát điện góp phần giải quyết nhu cầu điện năng tại địa bàn.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm