1,6 triệu thùng dầu “biến mất” mỗi ngày kể từ tháng 5, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ đi về đâu?
Việc nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC ) bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng sẽ sớm gây ra tác động tới từng người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu.
Hôm 2/4, OPEC+ bất ngờ tuyên bố cắt giảm hơn 1,6 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 5 cho tới cuối năm. Động thái này đã ngay lập tức làm chấn động thị trường năng lượng toàn cầu, khiến giá dầu tăng mạnh.
Hiển nhiên, giá xăng cũng sẽ tăng theo vào tác động từ việc tăng giá sớm được người tiêu dùng ở Mỹ cảm nhận. Ngay trong sáng 3/4, giá xăng tương lai ở Mỹ đã tăng khoảng 8 xu/gallon, tương đương khoảng 3%. Nhiều khả năng, giá bán cũng sẽ sớm được điều chỉnh.
Tuy nhiên, động thái của OPEC+ cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Tom Kloza, trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu của OPIS – đơn vị chuyên theo dõi giá năng lượng, cho biết: “Tôi nghĩ OPEC đang đánh thức con quái vật lạm phát. Nhà Trắng chắc hẳn sẽ cực sốc và tức giận. Nó sẽ làm thay đổi nhiều tính toán chiến lược ở thời điểm hiện tại”.
Theo ông Kloza, không nhiều người Mỹ nghĩ tới viễn cảnh giá xăng tăng trở lại mức 5 USD/gallon, thậm chí, họ còn không nghĩ giá xăng sẽ trở lại mức 4 USD. Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay, người dân Mỹ có thể sẽ phải mua xăng với mức giá cao hơn hồi đầu năm vào cuối mùa hè này. Thậm chí, mọi sự có thể tồi tệ hơn khi bão hoặc thiên tai ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, chế biến dầu mở ở vùng Vịnh.
Sau những biến động địa, chính trị, giá xăng trung bình ở Mỹ trong năm 2022 là 4,19 USD/gallon. Ngày 14/6, giá xăng tăng lên kỷ lục 5,02 USD/galoon trước khi giảm từ từ trong suốt 3 tháng sau đó. Tác nhân giúp hạ nhiệt giá xăng là do việc Mỹ xả lượng lớn dầu dự trữ chiến lược cùng nỗi lo suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu.
Tuy nhiên, điều tồi tệ có lẽ sẽ không xảy ra. Hiện tại, Mỹ có thể tiếp tục xả kho dự trữ xăng dầu chiến lược cũng như công suất khai thác và lọc dầu của Mỹ đều đang tăng mạnh. Dẫu vậy, việc bù đắp sản lượng 1,6 triệu thùng dầu/ngày là điều không dễ thực hiện.
Vấn đề có lẽ vẫn chưa dừng lại ở giá dầu. Khi chi phí năng lượng tăng cao, nó có thể khiến lạm phát vốn đã ở mức rất cao của Mỹ, duy trì trong thời gian dài. Cùng với đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có khả năng phải duy trì chính sách lãi suất cao lâu hơn dự kiến để ghìm cương lạm phát.
Khi giá dầu tăng, cổ phiếu các “đại gia” dầu mỏ cũng phi mã. Shell (SHLX) tăng 4,21%, BP (BP) cao hơn 4,64% và TotalEnergies của Pháp tăng 4,56%.
Theo Goldman Sachs, động thái của OPEC+ là bất ngờ nhưng “phù hợp với học thuyết mới của nhóm này là hành động phủ đầu để đạt mục tiêu nhưng không mất thị phần một cách đáng kể”. Giá dầu có thể được đẩy lên 95 USD/thùng vào tháng 12 tới khi OPEC+ duy trì chính sách giảm sản lượng.
Về phần mình, Bộ Năng lượng Ả rập Xê út mô tả mức giảm sản lượng vừa công bố là “biện pháp phòng ngừa” nhằm gia tăng sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Nhà Trắng thì bác bỏ quan điểm này, giống cách họ vẫn làm khi OPEC+ cắt giảm sản lượng những lần trước đây.
Hồi tháng 10/2022, Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ khiến Ả rập Xê út phải “trả giá” khi dẫn đầu nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+. Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden dường như đã rút lại tuyên bố trừng phạt quốc gia Trung Đông bởi chưa có hành động nào xảy ra.
Tham khảo: CNN