A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/4/2023

Việt Nam - UAE thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng; Mỹ, EU cam kết bảo vệ thị trường năng lượng toàn cầu; Dầu diesel Nga chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 6/4/2023.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/4/2023
UAE là một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Ảnh minh họa: MSZ

Việt Nam - UAE thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng

Tại buổi làm việc với ông Suhail bin Mohammed Al Mazrouei, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE, diễn ra ngày 5/4 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai bên về năng lượng truyền thống và cả năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất ký mới Bản ghi nhớ về lĩnh vực năng lượng giữa hai nước; tạo điều kiện để các đối tác UAE sớm làm việc với Việt Nam để hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; xem xét khả năng đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ dầu thô, sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam để cung cấp cho khu vực châu Á; tạo điều kiện để các công ty dầu khí nước này và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hợp tác trong đầu tư vào thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam…

Bộ trưởng Suhail bin Mohammed Al Mazrouei Mong muốn của Chính phủ UAE là hai nước có thể ký FTA trong năm nay. Bên cạnh đó, phía UAE cho biết có nhu cầu hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như truyền tải điện, phát điện, an ninh lương thực, y tế, hạ tầng, xây dựng, quản lý cảng biển.

Sản xuất điện toàn hệ thống quý I/2023 giảm 1,6% so với cùng kỳ

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 5/4, trong tháng 3/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 23,22 tỷ kWh, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 61,83 tỷ kWh, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng điện truyền tải tháng 3/2023 đạt 17,91 tỷ kWh. Lũy kế quý I/2023, sản lượng điện truyền tải đạt 48,27 tỷ kWh, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, nguồn điện huy động cao nhất là nhiệt điện than đạt 28,03 tỷ kWh, chiếm 45,3%; Thủy điện đạt 15,38 tỷ kWh, chiếm 24,9%; Năng lượng tái tạo đạt 10,22 tỷ kWh, chiếm 16,5%; Turbine khí đạt 7,14 tỷ kWh, chiếm 11,6%; Điện nhập khẩu đạt 953 triệu kWh, chiếm 1,5%.

Về tình hình tài chính, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.

Mỹ, EU cam kết bảo vệ thị trường năng lượng toàn cầu

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/4 đã cam kết chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây tổn thương thị trường năng lượng toàn cầu, sau cuộc họp tại Brussels để thảo luận về tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine.

Tuyên bố chung sau cuộc họp ở Brussels (Bỉ) giữa Mỹ và EU nêu rõ: “Hai bên tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhằm đương đầu trực tiếp, bằng các biện pháp thích hợp, chống lại mọi âm mưu gây thêm bất ổn tình hình năng lượng toàn cầu và né tránh các trừng phạt".

Trong khi đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga về nhiên liệu hạt nhân và dịch vụ làm giàu urani, đồng thời nhất trí tổ chức cuộc họp chung trong năm nay nhằm thúc đẩy các công nghệ tiên tiến như lò phản ứng module cỡ nhỏ.

Dầu diesel Nga chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm

Số liệu thống kê cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu 1,18 triệu tấn dầu thô và các sản phẩm hóa dầu từ Nga. Tiếp theo là Iraq và Kazakhstan với lần lượt 917.656 tấn và 683.740 tấn. Trong tháng 3, dữ liệu do Bloomberg tổng hợp từ Vortexa tiết lộ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu 10 triệu thùng dầu diesel từ Nga, mức cao nhất trong gần 7 năm.

Theo đó, nhập khẩu dầu diesel của Thổ Nhĩ Kỳ từ Nga đã tăng 50% trong tháng 3 so với tháng 2, với lượng nhập khẩu hàng ngày vượt quá 300.000 thùng. Nhiều nguồn tin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã được nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga với mức giá giảm sâu hơn khi so sánh với thị trường Tây Âu. Theo đó, giá FOB Biển Đen có nguồn gốc từ Nga là 89 USD/thùng (TL1,713), trong khi giá Tây Địa Trung Hải là 108 USD/thùng.

Các chuyên gia cho rằng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh

Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 5/4 đã công bố các số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã giảm mạnh hơn dự kiến vào tuần trước do nhu cầu lọc dầu và xuất khẩu tăng mạnh.

Cụ thể, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 31/3, xuống còn 470 triệu thùng, giảm nhiều hơn so với mức dự báo được các nhà phân tích đưa ra trước đó là 2,3 triệu thùng. Trong đó, riêng các kho dự trữ dầu thô tại thành phố Cushing, bang Oklahoma, trung tâm phân phối dầu thô lớn của Mỹ đã giảm 970.000 thùng trong tuần.

Dự trữ xăng và các sản phẩm liên quan cũng giảm mạnh, cho thấy nhu cầu tăng chỉ vài ngày sau khi các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày.

Ba doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc đầu tư lớn cho năng lượng tái tạo

Ba công ty năng lượng quốc doanh lớn của Trung Quốc gồm Sinopec, China National Offshore Oil (CNOOC) và PetroChina tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo trong bối cảnh Trung Quốc đang đặt mục tiêu đưa lượng khí thải CO2 đạt đỉnh vào năm 2030.

Theo đó, 3 công ty dự định sẽ đầu tư tổng cộng 100 tỷ Nhân dân tệ (14,5 tỷ USD) trở lên vào năng lượng tái tạo đến hết năm 2025, nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hướng đến mục tiêu đến năm 2060 lượng khí thải CO2 ròng bằng 0.

Trong 3 năm đến hết năm 2025, Sinopec sẽ đầu tư ít nhất 60 tỷ USD vào năng lượng tái tạo. CNOOC đang tập trung vào năng lượng gió ở ngoài khơi, bằng cách tận dụng chuyên môn trong việc khoan dầu ở đáy biển. Trong khi đó, PetroChina được dự đoán sẽ đầu tư hơn 10 tỷ Nhân dân tệ/năm vào năng lượng tái tạo đến hết năm 2025.


Tác giả: Việt Nam - UAE thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm