Trẻ sơ sinh tổn thương thần kinh vì người lớn bế rung lắc
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhi 2 tháng tuổi với tình trạng li bì, ngừng thở, co giật, tím môi. Đáng buồn hơn, tình trạng em bé bị tổn thương thần kinh vì hành vi người lớn bế rung lắc để dỗ trẻ.
Thói quen của người lớn, nguy cơ cho trẻ nhỏ
Theo thông tin từ người nhà, trước khi nhập viện 3 ngày, trẻ thường xuyên quấy khóc, được gia đình chăm sóc bế đung đưa để dỗ. Khi thấy trẻ có triệu chứng bú ít, kém linh hoạt, gia đình đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu.
Em bé mới chỉ 2 tháng tuổi được vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tăng trương lực cơ liên tục, tím môi, thóp trước căng phồng, co giật, có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao. Qua khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, trước đó, trẻ không bị té ngã, chấn thương, chưa co giật lần nào.
Trẻ được chăm sóc, điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC |
Sau khám lâm sàng và siêu âm thóp, các bác sĩ nghi ngờ trẻ tổn thương thần kinh. Để xác định chính xác tổn thương, bệnh nhi được chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, soi đáy mắt cho thấy, trẻ tụ máu dưới nhện lều tiểu não hai bên và liềm đại não, phù não lan tỏa các bán cầu não 2 bên, kèm xuất huyết võng mạc, phù gai thị, nghi do Hội chứng rung lắc.
Bệnh nhi được cho thở máy, cắt cơn co giật và điều trị tăng áp lực nội sọ, đồng thời tối ưu hóa tất cả các cơ quan hô hấp, tuần hoàn bằng cách sử dụng thuốc trợ tim, vận mạch, kiểm soát rối loạn điện giải, sốt, nhiễm trùng.
Sau 7 ngày điều trị, trẻ cai được máy thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tuy nhiên vẫn còn di chứng tăng trương lực cơ, giảm ý thức, nguy cơ cao để lại di chứng thần kinh, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển não bộ.
Hội chứng rung lắc - chấn thương não nghiêm trọng
ThS.BS Ngô Tiến Đông, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hội chứng rung lắc là một chấn thương não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh.
Hội chứng này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ 2 - 4 tháng tuổi, đây là thời điểm trẻ có xu hướng quấy khóc thường xuyên và kéo dài. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này thường do thói quen bế con rung lắc nhằm mục đích dỗ con bớt quấy khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ hoặc những động tác làm thay đổi đột ngột tư thế như bế trẻ lên cao, bế thốc dậy, tung cao trẻ… Trẻ có thể gặp nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc.
Trẻ có thể gặp nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc (Ảnh minh họa) |
Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trọng lượng đầu chiếm khoảng 10 - 15% trọng lượng cơ thể. Ở độ tuổi này, trẻ có cơ cổ rất yếu không đủ sức nâng đỡ đầu vốn có kích thước tương đối lớn, não bộ chưa phát triển nhiều, nằm “trôi nổi” trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh.
Việc rung lắc mạnh gây ra sự tăng giảm tốc nhanh chóng của não, tác động va đập vào bề mặt cứng bên trong hộp sọ, làm tổn thương não và các mạch máu não, phù não và tăng áp lực nội sọ.
Các biểu hiện của hội chứng này rất đa dạng, thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Thời gian khởi phát có thể là ngay sau khi rung lắc hoặc sau một khoảng thời gian: trẻ quấy khóc, nôn nhiều, bú kém, nhịp thở bất thường, lì bì, co giật, hoặc hôn mê.
Trong một số trường hợp Hội chứng rung lắc nhẹ, trẻ có thể không biểu hiện triệu chứng ngay, nhưng một thời gian sau có thể gặp phải những vấn đề liên quan đến chậm phát triển tinh thần vận động.
Đáng buồn là nhiều người lớn còn chưa ý thức được hành vi nguy hiểm này bởi chỉ cần rung lắc trong 5 giây trẻ đã có thể bị nguy hiểm.
Việc rung lắc trẻ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng sau: Tụ máu dưới màng cứng; tụ máu dưới nhện; chấn thương trực tiếp trên bề mặt não khi não đạp vào mặt trong bản sọ; gây đứt gãy, xé rách các nhánh tế bào thần kinh ở vỏ và cấu trúc sâu của não.
Nếu trẻ ngừng thở khi bị lắc sẽ gây các tổn thương não không hồi phục khi não bị thiếu oxy. Việc bế rung lắc mạnh trẻ sơ sinh còn có thể gây vỡ xương sọ nếu có sự va chạm đầu trẻ vào các bề mặt cứng; xuất huyết võng mạc; gãy các xương như xương đòn, xương sườn, xương tứ chi.
Hội chứng rung lắc ở trẻ em xảy ra do thói quen vô ý và thiếu hiểu biết của người lớn khi cưng chiều trẻ bằng các hành động như tung hứng, bồng xốc trẻ lên cao để chơi trò máy bay; khi lắc võng/ nôi quá mạnh để dỗ cho trẻ ngủ.
Ngoài ra, đôi khi do quá căng thẳng, mệt mỏi vì trẻ không ngừng khóc, cha mẹ hoặc người trông trẻ rung lắc trẻ như một hình thức giải tỏa. Đây được đánh giá là một hình thức bạo hành ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tương lai của trẻ.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không thực hiện những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ, bế thốc ngược, xốc vác trẻ gấp gáp, tung hứng trẻ khi nô đùa, tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.
Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ tổn thương não do hội chứng rung lắc, phụ huynh cần nhanh chóng gọi xe cứu thương đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu trẻ ngừng thở, phụ huynh cần chủ động thực hiện hô hấp nhân tạo.