Tác động của đại dịch COVID-19 và vấn đề đặt ra cho nợ công ở Việt Nam
Trên thế giới, nợ công đang trở thành chủ đề nóng hiện nay bởi đó là yếu tố có nguy cơ đe dọa những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, gây lo ngại về viễn cảnh nền kinh tế một lần nữa lại rơi vào tình trạng suy giảm. Nợ công của Việt Nam năm 2020 mặc dù đang ở mức an toàn (nợ công chiếm 57,4% GDP, thấp hơn mức cho phép 65% GDP) nhưng tăng tương đối so với năm 2019.
Tóm tắt: Trên thế giới, nợ công đang trở thành chủ đề nóng hiện nay bởi đó là yếu tố có nguy cơ đe dọa những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, gây lo ngại về viễn cảnh nền kinh tế một lần nữa lại rơi vào tình trạng suy giảm. Nợ công của Việt Nam năm 2020 mặc dù đang ở mức an toàn (nợ công chiếm 57,4% GDP, thấp hơn mức cho phép 65% GDP) nhưng tăng tương đối so với năm 2019. Trước những tác động của dịch bệnh COVID-19 đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, chính phủ phải đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các giải pháp này khiến thâm hụt ngân sách và nợ công có thể gia tăng. Mặc dù vấn đề nợ công tăng cao giai đoạn 2016 - 2019 ở Việt Nam đã được khắc phục khá tốt nhưng nợ công cho những giai đoạn tiếp theo vẫn cần được tính toán, cân nhắc.
IMPACTS OF COVID-19 PANDEMIC AN THE ISSUE OF PUBLIC DEBT IN VIETNAM
Abtracts: Public debt has been a hot topic nowadays, because it is considered a factor threatening the recovery of global economy, creating dull outlook of an economic recession. Although, Vietnam’s public debt in 2020 is at a safe level ( accounting for 57.4% of its GDP, lower than the approved level of 65% of GDP), it slightly increases in comparison with 2019. With many impacts of the COVID-19 on socio economy and civil lives, the government has to issue supporting measures for people and businesses, making potential increase in budget deficit and public debt. Although the issue of high public debt in Vietnam in 2016 – 2019 period has been well controlled, it still needs to be taken into account in the coming time.
1. Đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu
1.1. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu
- Nhiều ngành nghề, lĩnh vực thiệt hại nặng nề: Kể từ ngày 11/3/2020, khi tổ chức y tế thế giới xác định COVID-19 là đại dịch thì nó đã đã khiến các nền kinh tế thế giới tê liệt. Thế giới trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bùng phát đã khiến thương mại toàn cầu đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng phá sản của doanh nghiệp khắp thế giới phần lớn do sự suy giảm nhu cầu. Có thể điểm qua một số ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề do COVID-19 gây ra:
+ Hàng không: Nhiều hãng hàng không phải sa thải nhân công để cắt giảm chi phí. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 lưu lượng hành khách ngành hàng không ước tính giảm 66% so với năm 2019, lỗ ròng lên tới hơn 118 tỷ USD [1]
+ Du lịch: Lượng khách du lịch quốc tế giảm 65% trong 6 tháng đầu năm 2020, trong đó riêng tháng 6/2020 giảm 93% so với cùng kỳ năm 2019 (Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO). Khách du lịch quốc tế vẫn giảm sâu trong quý I năm 2021, với mức giảm lên tới đến 83% so với cùng kỳ năm 2020 [2].
+ Ngành bán lẻ: Ngành bán lẻ chịu tác động mạnh từ những biện pháp phong tỏa khắt khe nhằm phòng chống dịch COVID-19 ở nhiều quốc gia. Theo Statista, doanh số bán lẻ toàn cầu năm 2020 giảm 5,7 %. Forrester dự đoán rằng sẽ mất 4 năm để các nhà bán lẻ vượt qua mức trước đại dịch [3], [4].
Ngoài một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 thì rất nhiều lĩnh vực hoạt động khác trên toàn cầu cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ.
+ Hoạt động đầu tư: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2020 giảm 42% so với năm 2019 (từ 1,5 nghìn tỷ đô la xuống còn ước tính 859 tỷ đô la), mức thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn hơn 30% so với đáy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Dự báo tiếp tục giảm từ 5-10% trong năm 2021 (UNCTAD, 2020) [5].
+ Hoạt động thương mại: Theo WTO, năm 2020 thương mại hàng hóa thế giới giảm 5,3 %. WTO dự báo tổng lượng thương mại hàng hóa thế giới giảm 8,0 % vào năm 2021 [6].
- Giảm giờ làm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập của người lao động: Theo báo cáo mới nhất (01/2021) của ILO, năm 2020 có 114 triệu việc làm bị mất, thất nghiệp toàn cầu tăng lên 33 triệu người, tương ứng tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 1,1 % lên 6,5 %. Thu nhập của lao động toàn cầu vào năm 2020 ước tính giảm 8,3%, lên tới 3,7 nghìn tỷ đô la Mỹ, tương đương 4,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu [7].
- Suy thoái kinh tế toàn cầu: Trước cú sốc do COVID-19 gây ra, năm 2020 đã ghi nhận rất nhiều nền kinh tế ở các khu vực khác nhau trên thế giới đồng loạt rơi vào suy thoái. Quỹ tiền tệ thế giới IMF nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 giảm khoảng 4,4 % [8].
Việc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự để giảm bớt chi phí sẽ tạo ra một vòng xoáy suy giảm kinh tế. Khi những người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp và giảm thu nhập dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp trì trệ, kích hoạt làn sóng vỡ nợ trên phạm vi toàn cầu. Để ứng phó với suy thoái kinh tế nghiêm trọng, các chính phủ đã tăng chi tiêu lên hàng nghìn tỷ USD cùng biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp để bảo vệ việc làm, hỗ trợ người lao động và kích thích tăng trưởng kinh tế.
1.2. Các gói kích thích kinh tế và nợ công tăng cao
Trước tác động xấu do COVID-19, các nước đã đồng loạt tung ra các gói kích thích cùng nhiều biện pháp tiền tệ để giải cứu nền kinh tế. Tổng trị giá các gói hỗ trợ của Mỹ hay Nhật Bản thậm chí lên tới 20% GDP. Tác dụng của các gói kích thích từ chính phủ đã phần nào nâng thể trạng của nền kinh tế, tăng sức chống chịu và kiểm soát tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, việc tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế sẽ kèm theo hệ lụy đẩy nhiều nước vào tình thế khó khăn mới. Việc sử dụng chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD cùng với chính sách cắt giảm lãi suất đã khiến nợ công và thâm hụt ngân sách của các quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng. Theo ước tính của IMF vào tháng 10/2020, các biện pháp tài khóa để chống lại cú sốc kinh tế mà COVID-19 gây ra đã tiêu tốn của nền kinh tế thế giới 12 nghìn tỷ USD. Mức chi tiêu khổng lồ này đã đẩy nợ công toàn cầu lên mức cao chưa từng thấy.
Hình 1: Nợ công của các nước đang phát triển và thị trường mới nổi giai đoạn 1970 – 2020
Nguồn: World Bank |
Tình trạng nợ công của các quốc gia năm 2020 được các nhà kinh tế cho rằng rất tồi tệ. Đối với các nước phát triển, mới đây OECD đã đưa ra cảnh báo về an toàn nợ công của các quốc gia này khi thực hiện các biện pháp chống đỡ tác động của COVID-19: Nguồn thu từ thuế giảm mạnh, chi cho công tác y tế và ngăn chặn dịch bệnh khiến các nước này có thể gánh thêm 17.000 tỷ USD nợ công, đẩy tỷ lệ nợ trung bình của chính phủ tăng từ 109% GDP lên hơn 137%. Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu rất lớn. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp có nguy cơ mắc nợ cao và việc giải quyết nợ sau khủng hoảng là rất khó khăn. Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp. Đại dịch Covid đã ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Chính phủ cũng đã phải chi ra những gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng, đặt ra những vấn đề về nợ công cần được tính toán.
2. Những vấn đề đặt ra cho nợ công ở Việt Nam trong thời gian tới
2.1. Tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế Việt Nam
- Giảm tăng trưởng kinh tế: Việt Nam là một trong số ít các nước kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhưng vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế. GDP quý I, quý II, quý III năm 2020 của Việt Nam giảm ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại, giảm trung bình cả năm trên 50%. Hầu hết các hoạt động kinh tế đều suy giảm, chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ và dịch vụ, vốn đầu tư toàn xã hội, nhập khẩu, tín dụng mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng ở mức thấp; vốn đầu tư trực nước ngoài đăng ký và thực hiện đều tăng trưởng âm. Mặc dù 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP có cải thiện nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2019. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố từ đầu tháng 5/2021 sẽ tiếp tục làm giảm tốc độ trưởng GDP trong thời gian tới (Bảng 1).
Bảng 1: GDP Việt Nam giai đoạn 2019 – 2021
Nguồn: Tổng cục thống kê [9], [10] |
Ngoài ngành nông nghiệp năm 2020 có tăng trưởng dương, các ngành sản xuất công nghiệp, các hoạt động dịch vụ như bán lẻ, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống... đều bị ảnh hưởng nặng nề. Bước sang 6 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng vẫn tiếp tục phát huy tốc độ tăng trưởng nhưng ngành dịch vụ vẫn ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.
- Doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề:
+ Doanh nghiệp gặp khó khăn: Sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu và khó khăn trong lưu thông hàng hóa; chi phí vận chuyển, lưu kho tăng cao; thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào đang là những khó khăn lớn nhất của đại bộ phận doanh nghiệp. Năm 2020 có tổng cộng 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng khoảng 8.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tình hình không mấy khả quan trong 6 tháng đầu năm 2021, với hơn 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây [11].
+ Việc làm, thu nhập người lao động giảm, thất nghiệp tăng cao: Tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập, gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Có 33,4% doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động. Sang quý I/2021, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,7%, giảm 1% so với quý trước và giảm 1,1 % so với cùng kỳ năm 2020.
2.2. Ngân sách nhà nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19
- Các gói hỗ trợ kinh tế ở Việt Nam: Trước những tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 đến người lao động và doanh nghiệp, các gói kích thích kinh tế đồng loạt được Chính phủ triển khai. Tổng các gói cứu trợ từ ngân sách khoảng 307.580 tỷ đồng cũng là những gói kích thích lớn chưa từng có như: (i) gói hỗ trợ an sinh, xã hội 61.580 tỷ đồng; (ii) gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng; (iii) gói hỗ trợ phí và lệ phí tối thiểu 40.000 tỷ đồng; (iv) gói giảm giá điện 11.000 tỷ đồng; (v) Gói hỗ trợ cước internet, viễn thông 15.000 tỷ đồng (vi) gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 [12].
Ngoài ra, vốn đầu tư công của Chính phủ chi ra năm 2020 là 729.000 tỷ đồng (chiếm 33,7% tổng vốn nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và tăng 14,5% so với năm 2019); năm 2021 là 38.300 tỷ đồng (tính đến tháng 7/2021).Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020 [10]. Như vậy, tổng giá trị sổ sách của các gói kích thích kinh tế tính đến hết năm 2020 là 1.036.580 tỷ đồng, xấp xỉ 77,7% tổng số thu thuế và phí năm 2019 (1.408.460 tỷ đồng, ước thực hiện lần 1 đến tháng 7/2021). Tuy nhiên, các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế chỉ mới dừng lại ở mức độ cứu trợ khẩn cấp trong khi tác động COVID-19 sẽ còn kéo dài. Vì vậy, việc sử dụng chi ngân sách để kích thích tổng cầu vẫn là giải pháp tiếp theo để hồi phục và phát triển kinh tế, xã hội.
- Thu ngân sách giảm mạnh: Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tâm lý tiêu dùng của xã hội, khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Điều này làm nguồn thu từ thuế giảm mạnh. Thêm vào đó là các chính sách ưu đãi về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch khiến thu ngân sách càng thêm khó khăn. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm 2020 đến ngày 15/12/2020 ước tính đạt 1.307.400 tỷ đồng, giảm 204,9 nghìn tỷ đồng (-13,5%) so dự toán [10].
- Áp lực chi ngân sách và bội chi tăng: Việc liên tục chi ra các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với khắc phục tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá ở đồng bằng sông Cửu Long và lũ lụt ở miền Trung càng tăng áp lực lên ngân sách Nhà nước. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/12/2020 ước tính đạt 1.432.500 tỷ đồng. Đến ngày 30/11/2020, đầu tư công của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 75%-85% [13]). Áp lực chi ngân sách tăng khiến mức bội chi năm 2020 tăng lên 265.000 tỷ đồng, chiếm 5,59% GDP (năm 2019 là 3,4% GDP). Nợ công tăng lên 57,4% GDP (Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV). Bước sang năm 2021, trong 6 tháng đầu năm chính phủ chi 694.400 tỷ đồng đạt 41,2% dự toán. Tuy nhiên, hiện nay với đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ làm tăng thêm áp lực cho chi ngân sách Nhà nước.
2.3. Những vấn đề đặt ra cho nợ công ở Việt Nam trong thời gian tới
Luật quản lý nợ công quy định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương [14]. Bản chất của nợ công là các khoản vay để bù đắp thâm hụt ngân sách. Các khoản vay sẽ phải hoàn trả gốc và lãi khi đến hạn, khi đó, Nhà nước sẽ phải tăng thuế để bù đắp.
- Với phương pháp tính nợ công/thu ngân sách thì tỷ lệ nợ công năm 2020 vượt ngưỡng an toàn: Theo cách tính nợ công/GDP, một số chỉ tiêu nợ công của Việt Nam vẫn đạt ngưỡng an toàn năm 2020: Báo cáo của Chính phủ về nợ công giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, khả năng kiểm soát nợ công/GDP năm 2016 từ 63,7% về mức 55% năm 2019. Năm 2020 là 56,1%. Ngoài ra một số chỉ tiêu khác về nợ công/GDP hiện nay là khá an toàn (Hình 2).
Hình 2: Một số chỉ số Nợ công của Việt Nam năm 2020 (%)
Nguồn: Báo cáo chính phủ |
Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ nợ công/thu ngân sách thì nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 368.276 tỷ đồng chiếm 27,4% so với thu ngân sách nhà nước năm 2020 (vượt ngưỡng 25% cho phép ở giai đoạn 1016-2020). Với tỷ lệ chiếm 1/4 ngân sách thì tỷ lệ nợ trên GDP chưa phải là thước đo đảm bảo an toàn. Do đó để đo lường tính bền vững của nợ công phải dựa vào tỷ lệ nợ công trên thu ngân sách.
- Áp lực vay nợ và trả nợ: Theo Quyết định số 1130/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, Chính phủ sẽ huy động vốn vay cho cân đối ngân sách Trung ương. Ngoài ra, với khoản nợ phải trả đầu năm 2021 là 368.276 tỷ đồng cho thấy nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là khá lớn, chủ yếu do khoản vay bằng trái phiếu Chính phủ trong nước đáo hạn vào năm 2021 (187.001 tỷ đồng, chiếm 13,9% thu ngân sách nhà nước) (Bảng 2).
Bảng 2: Áp lực vay nợ và trả nợ đối với ngân sách trung ương năm 2021
(Đơn vị: Tỷ đồng)
Nguồn: Báo cáo của Chính phủ |
- Tỷ lệ nợ công/ngân sách cao sẽ hạn chế nguồn vốn để đầu tư phát triển và ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu khác: Năm 2020, ngân sách cần trên 1/4 ngân sách chỉ để trả nợ gốc và lãi hằng năm thì sẽ không còn vốn để đầu tư phát triển. Lượng vốn trong nền kinh tế mà khối doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận được lại ít đi. Vấn đề này một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia, từ đó khiến cho thị trường lãi suất khó giảm, đồng thời cũng góp phần gia tăng lạm phát.
- Đánh giá khả năng trả nợ: Trong giai đoạn tới, thu ngân sách của Việt Nam sẽ không thể tăng mạnh vì không còn dư địa cho chính sách tăng thuế. Ngoài ra, thu ngân sách ở nước ta hiện nay vẫn còn phụ thuộc vào những khoản thu không bền vững ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ. Mặt khác, mặc dù tỷ lệ trả nợ của Việt Nam tính theo GDP chưa cao nhưng nếu đặt tình huống dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI không như dự kiến thì khả năng trả nợ của Việt Nam sẽ khó đạt được như mục tiêu đã đề ra.
- Nợ công cao và nghĩa vụ trả nợ sẽ đe dọa sức chịu đựng của nền kinh tế: Nghĩa vụ trả nợ khiến dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng, nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ. Ngoài ra, tình hình covid diễn biến tiếp tục phức tạp, phát sinh những ổ dịch mới khiến cho tình hình kinh tế và tăng trưởng khó dự đoán. Đồng nghĩa với điều này là nghĩa vụ nợ dự phòng có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương.
- Việc cố gắng giải ngân các gói chi kích thích kinh tế và đầu tư công có thể khiến kỷ luật ngân sách không đảm bảo. Đây là điều cần lưu ý, nhất là khi Chính phủ đang “mạnh tay bơm tiền”.
3. Hàm ý chính sách
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, với toàn bộ diễn biến khi có dịch COVID-19 đến nay đều khiến chi ngân sách tăng cao. Để đảm bảo an toàn nợ công, cần có quan tâm đến một số vấn đề sau: (i) cần có những nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về nợ công và an toàn nợ công và thực hiện hạch toán nợ theo chuẩn mực quốc tế; (ii) đa dạng hóa danh mục nợ, tận dụng tối đa các nguồn ODA ưu đãi, phát triển thị trường nợ trong nước thông qua phát triển thị trường sơ cấp và thứ cấp; (iii) đánh giá khả năng trả nợ trên các phương án rủi ro có thể xảy ra như rủi ro tham nhũng, rủi ro chệch mục tiêu, rủi ro tỷ giá, rủi ro biến động môi trường kinh tế vĩ mô (iv) phân cấp ngân sách, giao tự chủ tài chính nhiều hơn cho các đơn vị sự nghiệp và chính quyền địa phương; (v) thiết lập một hệ thống các chỉ tiêu về an toàn nợ, phạm vi áp dụng giới hạn được phân chia theo từng loại nợ: tổng nợ công, nợ công nước ngoài, nợ công trong nước, và tổng nợ nước ngoài; bổ sung các chỉ tiêu về dư nợ công và tỷ lệ nợ công/thu ngân sách…(vi) tăng cường mức độ toàn diện và minh bạch của ngân sách, siết chặt kỷ luật tài khóa về quản lý nợ công, hạch toán và báo cáo chuyển nguồn, nhất là khi số chi chuyển nguồn ở Việt Nam thường cao hơn nhiều so với ở các quốc gia khác [15]; (vii) tăng cường khả năng giám sát, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước để chi tiêu công không bị thúc đẩy bởi lợi ích của một bộ, ngành hay nhóm lợi ích nào.
Tài liệu tham khảo:
[1]. Dịch Covid-19 khiến doanh thu ngành hàng không lao dốc (2020), truy cập 29.01.2021, từ: https://caa.gov.vn/hang-khong-the-gioi/iata-dich-covid-19-khien-doanh-thu-nganh-hang-khong-lao-doc-20201204105515849.htm
[2]. Covid-19 gây thiệt hại cho du lịch thế giới 460 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020 (2020), truy cập 29.01.2021, từ: https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/printer/34145
[3]. Retail Will See A $2.1 Trillion Loss Globally In 2020 Due To Coronavirus Pandemic (2020), truy cập 29.01.2021, từ https://go.forrester.com/press-newsroom/forrester-retail-will-see-a-2-1-trillion-loss-globally-in-2020-due-to-coronavirus-pandemic/
[4]. Statista, Coronavirus: impact on the retail industry worldwide - Statistics & Facts, truy cập 20.07.2021. Từ https://www.statista.com/topics/6239/coronavirus-impact-on-the-retail-industry-worldwide/#dossierSummary__chapter1
[5]. UNCTAD (2021), Investment trend moniter: Global FDI flows 42% in 2020 further weekness expected in 2021, risking sustainable recovery
[6]. WTO (2021), World trade primed for strong but uneven recovery after COVID-19 pandemic shock, truy cập từ https://www.wto.org/english/news_e/pres21_e/pr876_e.htm
[7]. ILO (2021), ILO Monitor: COVID-19 and the world of work. 7th edition
[8]. Nhìn lại bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2020 và triển vọng phục hồi năm 2021 (2020), truy cập ngày 29.01.2021, từ http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan/nhin-lai-buc-tranh-kinh-te-toan-cau-nam-2020-va-trien-vong-phuc-hoi-nam-2021.html
[9]. Tổng cục Thống kê (2019), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019.
[10]. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV năm 2020.
[11]. 101 nghìn DN ngừng kinh doanh năm 2020, truy cập 20.1.2021 https://vneconomy.vn/101-nghin-doanh-nghiep-ngung-kinh-doanh-nam-2020-20201228161746915.htm
[12]. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
[13]. Thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng còn lúng túng, truy cập 31.01.2021 từ https://baodautu.vn/thuc-hien-goi-ho-tro-62000-ty-dong-con-lung-tung-d132579.html.
[14. Luật quản lý nợ công, số 20/2017/QH14, ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội nước CHXNCN Việt Nam.
[15. NC ngày càng tăng, truy cập 04.02.2020 từ https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/no-cong-ngay-cang-tang-1300752.html
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 15 năm 2021