Thầy thuốc sống thọ 103 tuổi sáng nào cũng ăn gừng ngâm với một thứ đặc biệt
Bác sĩ Lộ Chí Chính từng chia sẻ bản thân có thói quen đặc biệt đó là ăn 3 lát gừng ngâm giấm vào buổi sáng.
Bác sĩ Lộ Chí Chính bẩm sinh đã thông minh và bắt đầu được tiếp xúc với Đông y từ nhỏ. Ông chính thức nghiên cứu về y học cổ truyền Trung Quốc vào năm 13 tuổi và hành nghề y từ năm 19 tuổi.
Bản thân là một bác sĩ Đông y nên kể từ năm 30 tuổi, thầy thuốc Lộ Chí Chính đã bắt đầu thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Đó là lý do vì sao khi gần 100 tuổi, vị bác sĩ vẫn giữ được sức khỏe tốt, tràn đầy năng lượng, tinh thần minh mẫn như người ngoài 60 tuổi. Thậm chí ở tuổi này, ông vẫn đủ sức khỏe để khám bệnh, bốc thuốc.
Đầu tháng 1/2023, thầy thuốc Lộ Chí Chính qua đời ở tuổi 103. Tuy nhiên những đóng góp của ông cho nền y học Trung Quốc, cũng như những bí quyết sống thọ vẫn khiến đời sau phải ngưỡng mộ.
Bí quyết dưỡng nội tạng được thầy thuốc Lộ Chí Chính thực hiện suốt 40 năm
Bác sĩ Lộ Chí Chính từng chia sẻ bản thân có thói quen đặc biệt đó là ăn 3 lát gừng vào buổi sáng. Đáng nói, gừng mà vị thầy thuốc sử dụng phải là gừng ngâm với giấm. Đây là thói quen mà vị bác sĩ đã thực hiện suốt 40 năm.
Gừng ngâm giấm là món ăn cực kỳ tốt trong việc dưỡng nội tạng. Thầy thuốc Lộ Chí Chính cho biết bản thân mình trước đây thường bị đầy bụng, khó tiêu, kể từ khi ông dùng gừng ngâm giấm thì tình trạng bệnh đã được xử lý. Theo vị bác sĩ, khó tiêu, đầy bụng lâu ngày sẽ khiến các bệnh về lá lách, dạ dày phát triển. Do đó nếu xử lý được vấn đề này sẽ giúp lá lách, dạ dày được khỏe mạnh.
Trong Đông y, gừng được xem là một vị thuốc dân dã có tác dụng trị nhiều bệnh, nhất là bệnh liên quan đến dạ dày. Nếu đem gừng ngâm giấm sẽ có tác dụng điều trị các bệnh dạ dày, nhất là trào ngược dạ dày, dùng trong 3-7 ngày liên tục thì tình trạng sẽ cải thiện rõ rệt.
Trong hỗn hợp gừng ngâm giấm có chứa nhiều hoạt chất có chức năng chống đông máu, thường xuyên ăn gừng sẽ giúp hạn chế sự xuất hiện của các cục máu đông. Còn giấm thì có tác dụng thông mạch máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường. Hai nguyên liệu này khi kết hợp với nhau sẽ đem lại lợi ích bảo vệ mạch máu gấp đôi.
Cách ngâm gừng với giấm: Gừng non rửa sạch, thái lát mỏng 3mm, thêm chút muối, ướp nửa tiếng. Sau đó cho gừng thái lát vào lọ, đổ giấm gạo vào, đậy kín. Cho vào ngăn mát tủ lạnh 2 ngày là có thể ăn được.
Lưu ý khi sử dụng gừng ngâm giấm
- Gừng ngâm giấm là một món ăn rất tốt, nhưng không nên lạm dụng. Mỗi ngày chỉ nên ăn 3 lát gừng ngâm giấm.
- Thời điểm tốt nhất để ăn gừng ngâm giấm là vào buổi sáng (7-9h), ăn kèm trong bữa sáng, đem lại tác dụng tăng cường và thúc đẩy tuần hoàn máu, tốt cho tiêu hóa.
- Những người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh gan, người thiếu âm… thì không nên tiêu thụ gừng vì có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.