Vì sao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong bị bắt?
Một Phó giám đốc Sở Tài chính ký công văn thống nhất với phương án giao 3 lô đất tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 không qua đấu và giá theo giá đất 2013. Lúc đó, ông Nguyễn Văn Phong đang là Giám đốc Sở Tài chính nên phải chịu trách nhiệm chính.
Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an vừa phối hợp với VKSND Tối cao và chính quyền địa phương hoàn thành công tác khám xét chỗ ở; khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 6 bị can khác.
Đây là diễn biến liên quan việc mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất 2 bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông), phường Phú Hài, TP.Phan Thiết.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.
Hồi đầu tháng 2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 bị can với cùng tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm Nguyễn Ngọc Hai (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lương Văn Hải (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh), Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường) và Ngô Hiếu Toàn (Phó giám đốc Sở Tài chính).
Các bị can này đều liên quan đến việc giao hơn 92.000 m2 đất của 3 lô đất ở khu vực trên vào năm 2017 nhưng lại áp giá đất năm 2013 chỉ với 1,2 triệu đồng/m2. Ngày 28/6, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ đã có kết luận giá trị quyền sử dụng 3 lô đất 18, 19, 20 của dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, tính đến thời điểm ngày 7/3/2017 là 156,4 tỷ đồng và tài sản Nhà nước bị thiệt hại khi giao đất cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát là 45,4 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, tháng 10/2013, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định phê duyệt quỹ đất đấu giá đối với ba lô đất số 18, 19 và 20 thuộc dự án sử dụng quỹ đất hai bên đường 706B, Phan Thiết có tổng diện tích hơn 92.000 m2 với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2).
Từ 2013 đến tháng 12/2015, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Bình Thuận thông báo bán đấu giá công khai sáu đợt nhưng đều không có khách hàng đăng ký tham gia. Do đó, ngày 23/2/2017 UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản đồng ý chủ trương giao 3 lô đất trên cho Công ty CP Tân Việt Phát, giá giao đất là giá khởi điểm để đấu giá theo quyết định vào tháng 10/2013 của UBND tỉnh.
Tháng 3/2017, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi hơn 92.000 m2 đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, gồm lô đất số 18 (diện tích 23.2986 m2), lô số 19 (diện tích 33.609,3 m2) và lô số 20 (diện tích 35.693 m2) để giao và cho thuê đất đối với Công ty CP Tân Việt Phát. Trong đó cho thuê lô đất số 18 trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ; giao lô đất số 19 và 20 có thu tiền sử dụng đất, sử dụng vào mục đích đất ở kết hợp thương mại dịch vụ.
Tháng 5/2017, Công ty CP Tân Việt Phát nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Sau đó được giao đất và được chấp thuận xây dựng Khu trung tâm thương mại dịch vụ và đô thị… Theo C01, với việc giao đất năm 2017 nhưng lại lấy giá cũ của năm 2013 khiến ngân sách đã thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Để thực hiện việc giao đất này, ngày 3/2/2017, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận (đã bị khởi tố, bắt giam) có công văn kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận giao 3 lô đất trên không qua đấu giá cho Công ty CP Tân Việt Phát với giá 1,2 triệu đồng/m2 theo giá đã phê duyệt từ tháng 10/2013.
Đến ngày 20/2/2017, ông Ngô Hiếu Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính (đã bị khởi tố, bắt giam) ký công văn thống nhất với phương án giao đất không qua đấu giá với giá đất nêu trên của Sở Tài nguyên Môi trường.
Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (tên thương mại là Queen Pearl) đã khiến hơn chục cựu cán bộ cấp cao và đương chức của Bình Thuận bị bắt.
Từ những đề xuất này, ngày 7/3/2017, ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định giao 3 lô đất cho Công ty Tân Việt Phát.
Thời điểm ông Ngô Hiếu Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính ký công văn thống nhất với phương án giao đất không qua đấu giá theo giá đất 2013, ông Nguyễn Văn Phong đang là Giám đốc Sở Tài chính nên phải chịu trách nhiệm chính.
Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 17/6, Ban Chấp hành Đảng bộ Bình Thuận quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Phong trong thời gian giữ chức vụ Tỉnh ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020, Giám đốc Sở Tài chính (tháng 6/2016 đến tháng 4/2019).
Ông Nguyễn Văn Phong chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Sở Tài chính. Cụ thể, ông Phong đã buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra để cấp phó của mình là ông Ngô Hiếu Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận vi phạm pháp luật , bị khởi tố, bắt tạm giam.