A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗi lo thực phẩm bẩn

Trong nhiều năm liền, 4 cơ sở sản xuất giá đỗ (TP Vinh) bán ra thị trường hơn 3.500 tấn sản phẩm ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine.

Nghệ An phá đường dây sản xuất hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm chất cấm:

 

Cơ quan chức năng niêm phong thùng chứa giá đỗ ngâm hóa chất. Ảnh: CANA

Cơ quan chức năng niêm phong thùng chứa giá đỗ ngâm hóa chất. Ảnh: CANA

 

Bất chấp lương tâm vì lợi nhuận

Một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm vừa được Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, gây hoang mang dư luận và đặt ra những câu hỏi cấp thiết về công tác kiểm soát trong sản xuất thực phẩm hiện nay.

Theo đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Nghệ An vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.

Các bị can bị khởi tố gồm: Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993), Lưu Văn Trung (SN 1997, cùng trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định); Trần Khắc Duy (SN 1990) và Nguyễn Văn Hướng (SN 1998, cùng trú tại TP Vinh, Nghệ An).

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện một đường dây sản xuất giá đỗ quy mô lớn có dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những người này cấu kết sản xuất giá đỗ, sử dụng hóa chất cấm nhằm tăng sản lượng và thu lợi nhuận bất chính.

Khi kiểm tra cơ sở, công an thu giữ gần 2.000 lu nhựa chứa giá đỗ, với tổng khối lượng khoảng 25 tấn. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” (tên khoa học là 6-Benzylaminopurine) và khoảng 150 lít dung dịch đã pha chế sẵn để phục vụ sản xuất.

Mở rộng điều tra, Phòng PC03 xác định, từ năm 2024 đến nay, 4 cơ sở này sản xuất và đưa ra thị trường hơn 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng “nước kẹo”. Theo cơ quan chuyên môn, 6-Benzylaminopurine không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm hoặc làm thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam.

Tại cơ quan điều tra, 4 người này khai nhận sử dụng hóa chất để rút ngắn thời gian sinh trưởng và kéo dài thời gian bảo quản. Đồng thời, hóa chất này còn giúp giá đỗ mập, trắng, ngắn rễ và bắt mắt hơn, nhằm thu lợi nhuận cao.

 

Loại “nước kẹo” này được mua từ một người đàn ông không rõ danh tính qua mạng xã hội. Dù nhận thức rõ việc sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine là vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận, những người này vẫn cố tình sản xuất.

Để qua mặt lực lượng chức năng, các cơ sở sản xuất thường được đặt ở những khu vực hẻo lánh, xa dân cư, hoạt động vào ban đêm hoặc rạng sáng. Khu vực sản xuất được che chắn kỹ bằng bạt, tôn và lưới, khó tiếp cận từ bên ngoài.

Mỗi ngày, các cơ sở sản xuất trung bình từ 3 - 5 tấn giá đỗ, bán ra thị trường với giá 10.000 – 15.000 đồng/kg. Sản phẩm sau đó được phân phối đến nhiều chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn tại Nghệ An và các tỉnh lân cận.

noi-lo-thuc-pham-ban-3.jpg

Cơ quan chức năng kiểm tra các thùng ủ giá đỗ. Ảnh: CANA

Hoang mang vì “thực phẩm bẩn”

Ngay sau khi vụ việc bị phanh phui, người tiêu dùng tại Nghệ An tỏ ra hoang mang, lo sợ vì giá đỗ là loại thực phẩm quen thuộc trong những bữa ăn hàng ngày. Không ít người tiêu dùng cho biết đã dừng việc mua giá đỗ tại chợ và chuyển sang mua tại các siêu thị lớn hoặc tự làm tại nhà.

Theo ghi nhận, tại các chợ dân sinh như: Nghi Ân, Quán Lau, Hưng Dũng hay chợ đầu mối Vinh, giá đỗ được bày bán phổ biến ở hầu hết các sạp rau. Tuy nhiên, người dân tỏ ra lo ngại, dè dặt hơn khi mua mặt hàng này.

Chị Phạm Thị Ngọc (xã Nghi Ân, TP Vinh) chia sẻ rằng, do giá đỗ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào, nấu canh chua hoặc dùng để ăn sống nên gia đình chị thường mua ở chợ. Tuy nhiên, chị cho biết rất khó phân biệt được đâu là giá sạch và đâu là giá ngâm hóa chất, vì vậy, việc mua thường dựa theo cảm tính.

 

“Biết tin công an bắt vụ số lượng lớn giá đỗ ngâm hóa chất đưa ra thị trường khiến gia đình tôi rất lo lắng. Chắc sắp tới tôi phải tự ủ giá đỗ ở nhà để đảm bảo an toàn”, chị Ngọc chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Quang (phường Nghi Phú, TP Vinh) cũng tỏ ra lo lắng khi gia đình anh thường xuyên chế biến các món ăn làm từ giá đỗ. Đồng thời, người đàn ông này cũng mong cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra nhiều hơn các cơ sở sản xuất thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

noi-lo-thuc-pham-ban-2.jpg

Chủ của 4 cơ sở sản xuất giá đỗ bị khởi tố. Ảnh: CANA

Trong khi đó, một số tiểu thương bán rau tại chợ đầu mối Vinh cũng thừa nhận tình hình buôn bán giá đỗ thời gian gần đây ế ẩm hơn. Tại chợ đầu mối Vinh, nơi tập trung mặt hàng rau củ quả lớn của Nghệ An rồi phân phối đi các chợ huyện, hàng quầy giá đỗ được bày bán riêng biệt.

Khi có khách đến hỏi mua, người bán liền trấn an: “Giá đỗ này nhà làm, không hóa chất, chỉ tưới nước sạch hằng ngày nên ăn sống cũng không sao”. Ngoài ra, họ còn bán các loại giá đỗ được đóng gói, có bao bì, nhãn mác sản phẩm rõ ràng.

“Giá đỗ sạch thường cũng phải 3 - 5 ngày mới có thể thu hoạch một mẻ. Loại này thân gầy, nhiều rễ, ăn ngọt thanh hơn. Thông thường, khoảng 1,5kg đỗ xanh sẽ làm được khoảng 10kg giá đỗ thành phẩm”, một tiểu thương ở chợ đầu mối Vinh cho biết.

Việc hơn 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm bị phát hiện không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là lời nhắc nhở về đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh thực phẩm – nơi sức khỏe cộng đồng phải được đặt lên trên lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong một thị trường cạnh tranh, không thể chỉ trông chờ vào đạo đức cá nhân. Đây là lúc vai trò, trách nhiệm giám sát của các cơ quan chức năng cần được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào, có thể gây ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa, tổn thương thực quản, viêm phổi. Nghiêm trọng hơn, chất này còn ảnh hưởng lâu dài đến hệ hô hấp, thận và gan nếu con người hấp thụ qua đường tiêu hóa.

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm