Bình Định kiến nghị cơ chế thoáng để đẩy nhanh đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội
Bình Định đã lựa chọn nhà đầu tư cho 28 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn. Để sớm hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn NƠXH của Thủ tướng, địa phương kiến nghị tạo cơ chế thoáng cho nhà đầu tư trong thủ tục, giải phóng mặt bằng, vay vốn...
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói vay 120 nghìn tỷ
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định , trên địa bàn tỉnh này có 5 dự án NƠXH, nhà ở công nhân đảm bảo điều kiện, tiêu chí thụ hưởng chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án NƠXH Tân Đại Minh 2 (Lamer 2) do Công ty TNHH Đầu tư Tân Đại Minh làm chủ đầu tư; dự án có tổng mức đầu tư 769 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 154 tỷ đồng.
Dự án NƠXH Ecohome Nhơn Bình có chủ đầu tư là Công ty TNHH Ecohome Nhơn Bình; dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, nhu cầu vay là 280 tỷ đồng.
Tiếp đó, khu chung cư NƠXH An Phú Thịnh (tại Khu đô thị mới An Phú Thịnh) do Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh làm chủ đầu tư; dự án này có tổng vốn đầu tư 682 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 136 tỷ đồng.
Khu chung cư NƠXH tại Khu C thuộc Khu đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh do Công ty TNHH Phú Hiệp làm chủ đầu tư; dự án có tổng vốn đầu tư 364 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 73 tỷ đồng (tất cả dự án trên đều nằm trên địa bàn TP. Quy Nhơn).
Cuối cùng, dự án NƠXH thuộc quy hoạch Khu thiết chế công đoàn tỉnh Bình Định do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Cơ điện IEC làm chủ đầu tư; dự án có tổng vốn đầu tư 1.128 tỷ đồng, nhu cầu vay là 789 tỷ đồng.
Mới đây, trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu và các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Định cho hay, Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh này đã chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai chương trình tín dụng cho vay 120.000 tỷ đồng theo hướng dẫn của NHNN Việt Nam.
Đến ngày 31/8, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Bình Định đang tiếp cận các doanh nghiệp là chủ đầu tư đang có nhu cầu vay vốn để hỗ trợ.
Cụ thể, đối với dự án NƠXH thuộc quy hoạch Khu thiết chế công đoàn tỉnh Bình Định, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bình Định phối hợp với Vietcombank Hội sở chính tiếp cận và thẩm định cho vay.
Với dự án Khu chung cư NƠXH tại Khu C thuộc Khu đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bình Định đang tiến hành thẩm định cho vay.
Đối với dự án Khu chung cư Trần Bình Trọng (số 145A đường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn), Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quy Nhơn đã ký kết hợp đồng cho vay số vào ngày 15/2/2023 với Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phú M - Quy Nhơn (chủ đầu tư dự án); trong đó, số tiền cho vay dự án đầu tư là 300 tỷ đồng nhưng không vượt quá 30% tổng mức đầu tư dự án (chưa gồm VAT, tổng mức đầu tư đã bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
"Các dự án NƠXH khi có giấy phép xây dựng là đủ điều kiện vay vốn gói 120.000 tỷ đồng", lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định thông tin.
28 dự án NOXH chọn được nhà đầu tư
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về số liệu triển khai đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp" trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, từ năm 2021 đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 3 dự án và một phần của 1 dự án, với 1.841 căn, tổng mức đầu tư 1.797 tỷ đồng.
Hiện, đã khởi công xây dựng 3 dự án và một phần của 1 dự án, với 3.586 căn tổng mức đầu tư 3.102 tỷ đồng.
Địa phương đã đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư 28 dự án, khoảng 24.675 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 13.990 tỷ đồng. Đồng thời, đã rà soát, bố trí 22 vị trí, quỹ đất quy hoạch NƠXH với diện tích khoảng 111,19ha dự kiến phát triển khoảng 16.703 căn/nhà, tổng mức đầu tư khoảng 8.821 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn về cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định kiến nghị, cần có các cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp và đơn giản hóa các thủ tục nhằm đẩy nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ… để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Đề xuất Chính phủ xem xét có quy định cơ chế hỗ trợ, ưu đãi nhà ở xã hội đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
"Cần có chính sách chung nhằm đơn giản hóa quy trình vay vốn tín dụng, đồng thời giảm bớt các bước trung gian và thành phần hồ sơ; hạn chế các yêu cầu bổ sung từ các ngân hàng liên quan đến việc tăng hạn mức vốn đối ứng đối với các chủ dự án đã thực hiện đối ứng 20% trên tổng vốn đầu tư cho dự án theo quy định của pháp luật", ông Hoàng đề xuất.
Ông Hoàng còn kiến nghị, NHNN Việt Nam xem xét việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc cho vay của các ngân hàng thương mại tham gia chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ…
Tỉnh Bình Định xác định phát triển NƠXH trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá về phát triển kinh tế, an sinh xã hội trong thời gian đến.
Tỉnh này quyết tâm hoàn thành khoảng 12.900 căn NƠXH trong giai đoạn đến năm 2025, vượt sớm hơn 5 năm theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Bình Định tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.