Bí mật đằng sau chiếc áo trench coat trứ danh của Burberry: Đường may 11,5 mũi trên 1 inch bằng tay 100%, tỷ lệ sai sót 0%
Áo Burberry được tạo ra bởi chính bàn tay của những người thợ lành nghề nhất với 0% sai sót.
Burberry - Hãng thời trang danh tiếng 166 năm tuổi được coi là một trong những biểu tượng độc đáo của Vương quốc Anh bởi lịch sử phát triển của thương hiệu này không chỉ gắn liền với chiếc áo khoác trench trứ danh, mà còn từng bước đồng hành với sự thăng trầm của Xứ sương mù. Bao thập kỷ trôi qua, Burberry vẫn luôn được coi là câu chuyện kinh doanh thành công nhất nhì Anh quốc, là niềm tự hào trong mỗi câu chuyện kể của người dân. Tuy vậy, những bí mật gắn liền với lịch sử phát triển của thương hiệu này không phải ai cũng biết.
Burberry - Cái tên gắn liền với hình ảnh chàng kỵ sĩ cưỡi ngựa
Burberry được thành lập vào năm 1856 bởi Thomas Burberry. Ông từng là thợ học việc tại một tiệm bán vải, sau đó quyết định mở cửa hàng riêng tại Basingstoke, Hampshire, Anh.
Dù đã có chỗ đứng nhất định từ năm 1870 nhờ các thiết kế dành cho các hoạt động ngoài trời, song thương hiệu này chỉ thật sự phát triển khi con trai của Thomas Burberry “xắn tay” cùng cha điều hành và quản lý.
Kết quả đạt giải trong cuộc thi thiết kế logo cho Burberry
Nhắc đến Burberry, người ta không thể không nhắc đến sự kiện quan trọng hồi năm 1901, khi công ty này mở cuộc thi thiết kế logo cho thương hiệu và đối tượng tham gia là tất cả những tín đồ yêu mến thời trang. Kết quả đoạt giải là hình ảnh một chàng hiệp sĩ cưỡi ngựa, trên tay cầm theo lá cờ in dòng chữ “Prorsum” (tiếng Latin nghĩa là “Forwards”-Tiến lên phía trước). Bên trên chiếc khiên có in chữ “B”, viết tắt của “Burberry”.
Với hàm ý sẵn sàng chiến đấu như những kỵ sĩ thời Trung cổ, hình ảnh này ngụ ý cho việc định hướng trở thành một trong những thương hiệu thời trang tiên phong của Burberry - cái tên ra đời trong thời kỳ đỉnh cao nhất của Anh quốc. Chiếc khiên cũng cũng tượng trưng cho sự bảo vệ, ngụ ý rằng những thiết kế của hãng thời trang này sẽ giúp người mặc tránh khỏi làn sương mù dày đặc – kiểu khí hậu đặc trưng của nước Anh.
Đến năm 1999, Burberry thay đổi tên thương hiệu: bỏ chữ “s” trong tên gọi ban đầu là “Burberrys” dưới bàn tay thiết kế của Fabien Baron. Màu sắc chủ đạo của logo là màu đen và màu trắng, đại diện cho sự thanh lịch, mạnh mẽ, lâu bền cùng kiểu phông chữ đơn giản được hãng giữ nguyên cho tới ngày nay.
Logo mới của Burberry
Đến năm 2018, tân Giám đốc sáng tạo của Burberry, Riccardo Tisci đã tiết lộ trên mạng xã hội Instagram mẫu logo và họa tiết monogram mới do Peter Saville thiết kế. Mang ba tông màu đỏ, vàng mật ong và trắng, phần thiết kế họa tiết monogram là sự kết hợp, lồng vào nhau của hai chữ T và B, hàm ý chỉ tên viết tắt của người sáng lập Thomas Burberry. Sự kiện này đã đánh dấu cột mốc 20 năm kể từ khi Burberry thay đổi logo được Fabien Baron thiết kế hồi năm 1999.
“Peter Saville là một trong những thiên tài trong làng thiết kế. Vì vậy, chúng tôi quyết định hợp tác cùng anh ấy trong đổi mới quan trọng này”, Giám đốc sáng tạo Burberry cho biết.
Bí mật đằng sau đường may 11,5 mũi trên 1 inch của Burberry
Do kiểu thời tiết nước Anh chủ yếu là mưa và sương mù dày, Thomas Burberry ngay từ những ngày đầu đã nghiên cứu tìm ra loại vải nhẹ, không thấm nước. Sau vô số thất bại, đến năm 1879, ông phát triển thành công chất vải đặc biệt có tên gabardine. Nó sau đó trở nên phổ biến trên toàn thế giới nhờ ưu điểm của mình và được Thomas Burberry đăng ký cấp bằng sáng chế vào năm 1888.
Nhờ trở thành nhà cung cấp quân phục chống thấm nước cho quân đội phục vụ trong thời chiến, Burberry bắt đầu ăn nên làm ra. Trang phục những quân nhân người Anh lựa chọn được gọi tielocken, kiểu áo khoác dáng dài có thắt lưng cột phía trước. Ngoài ra, vải gabardine với khả năng chống thấm nước lạnh tốt cũng được dùng trong các hoạt động dã ngoại ngoài trời, chẳng hạn như cắm trại, leo núi và câu cá.
Thế nhưng, điều đặc biệt nhất không chỉ nằm ở chất liệu vải. Những chiếc áo khoác trench coat của Burberry nổi tiếng nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt: may bằng tay 100% với 0% sai sót. Tất cả đều phải được tạo ra bởi chính bàn tay của những người thợ lành nghề nhất. Phần cổ áo, nơi được coi là dấu ấn đặc trưng nhất trên chiếc trend coat, đòi hỏi tỷ lệ chính xác 11,5 mũi trên 1 inch và chỉ những thợ có kinh nghiệm ít nhất một năm mới có thể thực hiện.
Những năm 1920, họa tiết ca rô Nova Check bắt đầu được in trên lớp lót của những trend coat Burberry. Được tạo nên từ sự kết hợp giữa màu camel, đen và đỏ, các họa tiết được thiết kế liền mạch và đối xứng sau quá trình cắt dệt tinh tế, từ đó trở thành nét đặc trưng của những chiếc áo khoác trứ danh.
Áo Burberry được tạo ra bởi chính bàn tay của những người thợ lành nghề nhất với 0% sai sót
Năm 1955, Nữ hoàng Anh cấp giấy Chứng nhận Hoàng gia, chứng minh rằng Burberry là sản phẩm được Hoàng gia sử dụng. Vinh dự này lại một lần nữa lặp lại vào năm 1988, khi hãng cho ra mắt dòng sản phẩm dành cho trẻ em. Burberry theo đó dần thu hẹp khoảng cách trên hành trình trở thành thương hiệu đại diện cho Anh quốc.
Nỗ lực hồi sinh một thương hiệu đang bên bờ tàn lụi
Thương hiệu nào cũng có khoảng thời gian khủng hoảng và Burberry cũng vậy. Sau nhiều thập kỷ gây dựng, phát triển và có chỗ đứng trong làng mốt thế giới, năm 2016, Burberry dần trở nên sa sút trong phân khúc thời trang cao cấp. Bản thân các thương hiệu xa xỉ vốn có nhiều thách thức hơn so với các thương hiệu truyền thống vì nó đòi hỏi việc không ngừng thay đổi và vượt lên trên sự mong đợi của khách hàng.
Burberry phục vụ đồng thời cả khách hàng trẻ tuổi và trưởng thành, song hoạt động tiếp thị lại chủ yếu hướng tới các đối tượng trẻ. Cũng bởi vậy, cái giá phải trả khi có được tập khách hàng trẻ là mất đi một lượng lớn những người tiêu dùng lớn tuổi.
Một nghiên cứu khi đó đã chỉ ra rằng, phần lớn người dùng trẻ mua hàng xa xỉ chỉ để giải trí và muốn được người khác công nhận, trong khi những khách hàng lớn tuổi lại chấp nhận chịu chi vì nhu cầu và sự thư thái.
Chiếc áo trench coat trứ danh của Burberry
Những năm sau đó, Burberry buộc phải thay đổi chiến lược để tăng lợi nhuận. Công ty liên tục bổ sung các sản phẩm mới, giúp chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với cả nam và nữ sống ở vùng khí hậu nóng ấm. Trước đây, thương hiệu này chỉ tập trung vào các bộ sưu tập thu đông vì đánh giá cao thị trường Anh.
Nỗ lực thay đổi logo hồi năm 2018 cũng chính là cách giúp Burberry tìm kiếm tệp khách hàng đã mất. Thiết kế mang ba tông màu đỏ, vàng mật ong và trắng, trong khi họa tiết monogram là sự kết hợp, lồng vào nhau của hai chữ T và B, hàm ý nổi bật bộ nhận diện và đánh dấu kỷ nguyên mới quan trọng của Burberry.
Burberry cũng nhận ra sức mạnh và tầm ảnh hưởng của những khách hàng châu Á, vì vậy, thay vì cố gắng làm nổi bật mình, thương hiệu này mang đến cho người dùng chính xác những gì họ muốn: một thương hiệu đáng tin cậy.
Tại Trung Quốc, Burberry đã hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Tencent, cho ra mắt một cửa hàng theo concept tương tác trên mạng xã hội và công nghệ thực tế ảo. Việc Tencent sở hữu ứng dụng thanh toán WeChat đã giúp khách hàng của Burberry dễ dàng quét mã QR, tìm kiếm thông tin sản phẩm và đa dạng hóa trải nghiệm mua sắm.
Như vậy, Burberry, khởi đầu chỉ là một công ty may đồ nhỏ đã phát triển thành thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới sau 166 năm. Họ không ngủ quên trên chiến thắng mà không ngừng đổi mới, dù giá trị cốt lõi bên trong vẫn luôn được giữ vững sau bao thập kỷ.
Theo: Harper's Bazaar
https://cafebiz.vn/bi-mat-dang-sau-chiec-ao-trench-coat-tru-danh-cua-burberry-duong-may-115-mui-tren-1-inch-bang-tay-100-ty-le-sai-sot-0-20220325122516446.chn