A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng công cụ số có trách nhiệm trong dạy và học các môn lý luận chính trị

Bối cảnh công nghệ phát triển, việc sử dụng các công cụ số như ChatGPT là điều tất yếu góp phần đổi mới phương pháp dạy và học các môn lý luận chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những những lợi ích mang lại, ChatGPT và các công cụ tương tự cũng có những tác động tiêu cực. Điều này đòi hỏi cả giảng viên và sinh viên cần sử dụng công cụ số có trách nhiệm trong quá trình dạy và học.

Đây là vấn đề được thảo luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Ảnh hưởng của ChatGPT và các công cụ tương tự đối với chất lượng dạy, học các môn lý luận chính trị” do Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối đại học, cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp tổ chức ngày 22/11.

Công tác giáo dục lý luận chính trị ở các trường đại học luôn được chú trọng, giúp sinh viên có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng nói chung, công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng đang trở nên cấp thiết. Trong đó, việc tích hợp công cụ số như ChatGPT vào giáo dục lý luận chính trị là một yêu cầu tất yếu, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức hiệu quả, toàn diện hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng ChatGPT cũng đồng thời đặt ra một số thách thức đáng lưu ý trong quá trình dạy, học các môn lý luận chính trị nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Đề cập đến tác động tích cực, Tiến sĩ Đặng Thị Minh Phượng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, một tác động tích cực nhất không thể phủ nhận của ChatGPT trong việc dạy và học là khả năng tiếp cận thông tin “siêu tốc”. Việc này có thể góp phần tăng cường sự tương tác và tham gia tích cực, chủ động, hứng thú của sinh viên vào các bài giảng của giảng viên khi được áp dụng phù hợp, đúng cách. ChatGPT có thể là công cụ hỗ trợ hiệu quả, giúp giảng viên và sinh viên thúc đẩy khả năng phân tích, tư duy phản biện khi được sử dụng có định hướng.

Theo Tiến sĩ Đặng Thị Minh Phượng, không thể phủ nhận tác động tích cực, lợi ích mà ChatGPT mang lại trong giảng dạy các môn học lý luận chính trị. Tuy nhiên, người sử dụng ChatGPT cũng phải cân nhắc, xem xét và đánh giá, kiểm chứng mức độ tin cậy, chính xác những thông tin do công cụ cung cấp, tránh trường hợp có thông tin sai lệch. Mặt khác, ChatGPT thiếu sự phân tích sâu, trong khi các môn học lý luận chính trị đòi hỏi việc này và khả năng hiểu biết sâu sắc. Việc lạm dụng hoặc sử dụng không hợp lý ChatGPT trong giảng dạy các môn lý luận chính trị có thể dẫn đến tình trạng giảm tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên. Việc phụ thuộc vào ChatGPT có thể làm giảm khả năng phát triển tư duy phản biện, sáng tạo, sự chủ động của cả sinh viên và giảng viên.

Theo các đại biểu, việc ứng dụng công cụ số trong quá trình dạy, học các môn lý luận chính trị là điều tất yếu. Tuy nhiên, người dạy, người học cần cân nhắc, cẩn trọng, sử dụng một cách phù hợp, hiệu quả. Yếu tố cốt lõi để để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong trường học vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Kiên, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy chỉ thực sự hiệu quả khi đồng hành cùng với sự phát triển về năng lực, phẩm chất của đội ngũ giảng viên. Các chính sách quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn và tạo điều kiện thu hút nhân tài vào lĩnh vực lý luận chính trị cần được thực hiện đồng bộ, hệ thống. Việc đào tạo đội ngũ giảng viên lý luận chính trị chất lượng cao sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt những giá trị cốt lõi của hệ tư tưởng cách mạng, góp phần bảo vệ và phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng./.

Thu Hoài


Tác giả: Lý Thu Hoài
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm