Google có thể phải bán “viên ngọc quý” Chrome
Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị yêu cầu tòa án buộc Google phải bán Chrome - trình duyệt đang chiếm 61% thị phần tại Mỹ. Đây được xem là bước đi quyết liệt nhất trong cuộc chiến chống độc quyền công nghệ kể từ vụ Microsoft hai thập kỷ trước.
Theo nguồn tin thân cận, Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu thẩm phán Amit Mehta - người từng phán quyết hồi tháng 8 rằng Google độc quyền thị trường tìm kiếm bất hợp pháp - áp dụng các biện pháp mạnh liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ điều hành Android trên điện thoại thông minh. Đồng thời, các quan chức chống độc quyền cùng với các bang tham gia vụ kiện cũng dự định đề xuất việc áp đặt yêu cầu cấp phép dữ liệu vào thứ Tư.
Nếu được thẩm phán Mehta chấp thuận, những đề xuất này có khả năng định hình lại thị trường tìm kiếm trực tuyến và ngành công nghiệp AI đang rất bùng nổ. Vụ kiện, được đệ trình từ thời chính quyền Trump và tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden, được xem là nỗ lực quyết liệt nhất nhằm kiềm chế một công ty công nghệ kể từ khi Washington thất bại trong việc chia tách Microsoft Corp cách đây 2 thập kỷ.
Trình duyệt phổ biến nhất thế giới
Sở hữu trình duyệt web phổ biến nhất thế giới là yếu tố then chốt cho hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google. Công ty có thể theo dõi hoạt động của người dùng đã đăng nhập và sử dụng dữ liệu đó để nhắm mục tiêu quảng cáo hiệu quả hơn, từ đó tạo ra phần lớn doanh thu. Google cũng đang sử dụng Chrome để dẫn dắt người dùng đến sản phẩm AI chủ lực của họ, Gemini, vốn có tiềm năng phát triển từ một công cụ trả lời thành trợ lý theo dõi người dùng trên web.
Lee-Anne Mulholland, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google nhận định. Bà nhấn mạnh: "Việc Chính phủ can thiệp theo cách này sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng, các nhà phát triển và vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ đúng vào thời điểm nó cần thiết nhất".
Sau thông tin trên, cổ phiếu Google đã giảm tới 1.8% xuống 172.16 USD trong ngày 18/11. Dù vậy, cổ phiếu của gã khổng lồ này vẫn còn tăng 25% từ đầu năm đến nay.
Theo những người am hiểu vấn đề, các cơ quan thực thi chống độc quyền muốn thẩm phán ra lệnh cho Google bán Chrome bởi nó đại diện cho điểm truy cập chính mà nhiều người dùng công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn có quyền quyết định về sự cần thiết của việc bán Chrome vào thời điểm sau này, nếu các biện pháp khắc phục khác tạo ra thị trường cạnh tranh hơn.
Theo StatCounter, một dịch vụ phân tích lưu lượng truy cập web, trình duyệt Chrome kiểm soát khoảng 61% thị trường tại Mỹ.
Trong 3tháng qua, các luật sư Chính phủ đã gặp gỡ hàng chục công ty để chuẩn bị đề xuất. Các bang vẫn đang xem xét bổ sung một số đề xuất và chi tiết có thể thay đổi. Đáng chú ý, các quan chức chống độc quyền đã từ bỏ phương án nghiêm khắc hơn là buộc Google phải bán Android.
Trước đó, hồi tháng 8/2024, Thẩm phán Mehta khẳng định Google vi phạm luật chống độc quyền trong cả thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo văn bản tìm kiếm. Phán quyết này được đưa ra sau phiên tòa kéo dài 10 tuần vào năm ngoái. Google cho biết họ dự định kháng cáo. Phiên điều trần kéo dài hai 2 về những thay đổi Google phải thực hiện được ấn định vào tháng 4/2025 và phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 8/2025.
Các cơ quan quản lý và các bang đã thống nhất đề xuất Google phải cấp phép kết quả và dữ liệu từ công cụ tìm kiếm, đồng thời cho các trang web nhiều quyền kiểm soát hơn về việc Google sử dụng nội dung của họ cho các sản phẩm AI. Ngoài ra, Google cũng có thể phải tách rời Android khỏi các sản phẩm khác như tìm kiếm và Google Play Store - vốn đang được bán dưới dạng gói. Các nhà quảng cáo cũng sẽ được chia sẻ thêm thông tin và có quyền kiểm soát nhiều hơn về vị trí xuất hiện quảng cáo.
Các luật sư từ Bộ Tư pháp và các Tổng chưởng lý bang đã đưa tất cả những lựa chọn đó trong hồ sơ ban đầu đưa ra vào tháng 10/2024.
Tuy nhiên, việc tách rời, nếu xảy ra, sẽ phụ thuộc vào việc tìm được người mua quan tâm. Những "đại gia" có khả năng chi trả như Amazon.com cũng đang phải đối mặt với giám sát chống độc quyền, có thể cản trở thương vụ lớn này.
"Quan điểm của tôi là điều này cực kỳ khó xảy ra", Mandeep Singh, Chuyên viên phân tích tại Bloomberg Intelligence nhận định qua email. Tuy nhiên, ông cho rằng OpenAI - công ty đứng sau ChatGPT - có thể là người mua tiềm năng.
"Điều đó sẽ mang lại cho họ cả kênh phân phối và doanh nghiệp quảng cáo để bổ sung cho các gói đăng ký chatbot người tiêu dùng", ông nhận định.
Google đang sử dụng AI để hiển thị tóm tắt thông tin ngay đầu kết quả tìm kiếm thông qua tính năng "AI Overviews". Các trang web đang rơi vào thế khó: Nếu không cho Google sử dụng nội dung của mình để tạo những bản tóm tắt này, họ có nguy cơ bị đẩy xuống thứ hạng thấp trong kết quả tìm kiếm.
Điều này khiến nhiều nhà xuất bản bức xúc vì lượng truy cập và doanh thu quảng cáo giảm mạnh, do người dùng thường chỉ đọc bản tóm tắt mà không click vào trang gốc để xem thông tin chi tiết.
Về việc cấp phép dữ liệu, các cơ quan thực thi chống độc quyền dự định đề xuất hai lựa chọn: Google bán dữ liệu "nhấp chuột và truy vấn" cơ bản và cũng phân phối riêng kết quả tìm kiếm của mình, theo những người này.
Hiện tại, công ty đang bán kết quả tìm kiếm được phân phối, nhưng có các hạn chế, chẳng hạn như ngăn việc sử dụng chúng trên thiết bị di động. Việc buộc Google phân phối kết quả tìm kiếm của mình sẽ cho phép các công cụ tìm kiếm đối thủ và các startup AI nhanh chóng cải thiện chất lượng của họ, trong khi nguồn cấp dữ liệu sẽ cho phép những đơn vị khác xây dựng chỉ mục tìm kiếm riêng của họ.