Ứng dụng AI trong điện ảnh: Cơ hội và thách thức
Trí tuệ nhân tạo – AI đang ngày càng phổ biến và tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có điện ảnh. Dù còn nhiều kiến trái chiều, nhưng thực tế hiện nay, nhiều nền điện ảnh lớn trên thế giới đã và đang ứng dụng AI trong sáng tạo nghệ thuật.
* Cơ hội và thách thức
Trong thập kỷ qua, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại, từ chăm sóc sức khỏe, thương mại, đến giáo dục. Một trong những lĩnh vực đang chứng kiến sự tác động mạnh mẽ của AI chính là điện ảnh và nghệ thuật. AI làm thay đổi cách thức sản xuất phim, mở ra một kỷ nguyên mới, biến mọi điều tưởng như không thể thành hiện thực.
Vài năm trở lại đây, những dự án phim ứng dụng AI đã xuất hiện nhiều hơn, thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim trên toàn thế giới. Những công nghệ như text-to-video hay machine learning đã dần trở thành công cụ hữu ích, hỗ trợ các nhà làm phim tạo ra những hình ảnh, cảnh quay và kịch bản phức tạp với tốc độ nhanh chóng và chi phí thấp. Các bộ phim nổi tiếng như Secret Invasion của Marvel, What Jennifer Did của Netflix đã sử dụng AI trong các giai đoạn như tạo poster, chỉnh sửa hình ảnh và thậm chí là xây dựng phân đoạn.
Bên cạnh đó, AI cũng hỗ trợ trong khâu hậu kỳ, với khả năng tự động hóa công đoạn chỉnh sửa âm thanh, video và xử lý kỹ xảo hình ảnh. Những công cụ này đang giúp rút ngắn đáng kể thời gian sản xuất phim, mở ra cơ hội lớn cho các nhà làm phim không có nhiều nguồn lực tài chính.
Trên thế giới, AI đi sâu vào hoạt động sản xuất điện ảnh, ở hầu hết các công đoạn. Có nơi sử dụng AI để dự đoán doanh thu phòng vé các bộ phim, AI còn giúp nhiều hãng phim tăng tốc độ chọn diễn viên bằng cách tự động thực hiện nhiều buổi thử vai; tạo ra nhiều nhân vật kỹ thuật số khác nhau...
Ngày nay, nhiều đạo diễn, đặc biệt là đạo diễn trẻ đã ứng dụng AI vào công việc sáng tạo điện ảnh. Song, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại đối với việc “AI hóa” điện ảnh sẽ tác động đến những giá trị cốt lõi, liên quan tới sự cảm nhận và sáng tạo của con người.
Các chuyên gia về phim ảnh cho rằng, khi công nghiệp điện ảnh càng phát triển, AI có thể được sử dụng một cách triệt để từ khâu viết kịch bản đến tạo hình, đạo cụ, chọn diễn viên, sản xuất, hậu kỳ… Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với điện ảnh Việt Nam.
Đạo diễn - Nghệ sỹ Ưu tú Trịnh Lâm Tùng coi AI như một trợ lý giúp bản thân bổ trợ kiến thức, nâng cao sự nhận thức, phản biện và xử lý các vấn đề một cách nhiều chiều hơn và cho rằng, sử dụng ứng dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực và phù hợp với từng giai đoạn sản xuất phim nhằm giảm áp lực và nhân lực. Tuy nhiên, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cũng khẳng định, kết quả vẫn phải do con người quyết định bởi dù sao cảm xúc là thứ AI sẽ không thể đạt được.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến chuyên gia về điện ảnh cũng cho rằng, AI tạo ra một sự cạnh tranh lớn nhưng không đáng sợ nếu các nhà làm phim có tâm, có tài. Dù sao, yếu tố con người trong nghệ thuật cũng là điều khó có thể thay thế, bởi cảm xúc là yếu tố AI không can thiệp được. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng phải thừa nhận, kịch bản vẫn là một điểm yếu của các nhà làm phim Việt Nam và AI sẽ thật sự tạo ra cạnh tranh, đào thải.
* Làm phim AI trên điện thoại
Khi ngành điện ảnh toàn cầu ứng dụng AI mạnh mẽ, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Đạo diễn trẻ Phạm Vĩnh Khương là người đầu tiên bắt nhịp với xu hướng làm phim bằng AI trên điện thoại di động, mở ra một hướng đi mới, đầy sáng tạo cho những người yêu điện ảnh nhưng chưa có nhiều điều kiện.
Đạo diễn trẻ Phạm Vĩnh Khương được biết đến với nhiều MV triệu view làm từ AI như “Bức tranh Đại Việt” tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử và đất nước Việt Nam; “Tiệc trắng” sản phẩm âm nhạc bằng AI tuyên truyền bảo vệ trẻ em; “Mắt bão” - sản phẩm âm nhạc bằng AI hướng tới đồng bào vùng lũ; hay MV “Ngọn lửa thép” tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... Gần đây nhất, đạo diễn đã cho ra mắt một MV hoạt hình 3D hoàn toàn bằng AI, có thời lượng dài hơn 4 phút. Anh là một trong những người tiên phong dùng AI sáng tạo phim ở mảng này. Những dự án này mở ra hướng đi mới cho các nhà làm phim trẻ, đặc biệt là những người không có nhiều điều kiện tài chính để tiếp cận các công nghệ sản xuất phim truyền thống.
Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cho biết, với sự hỗ trợ của AI, anh đã tối ưu hóa quy trình sản xuất phim. Trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp anh trong việc viết kịch bản, mà còn hỗ trợ từ khâu tạo hình ảnh, thiết kế nhân vật cho đến chỉnh sửa hậu kỳ. Sự kết hợp giữa AI và điện thoại di động đã giúp đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cắt giảm đáng kể thời gian và chi phí sản xuất, những vẫn giữ được chất lượng hình ảnh và nội dung ở mức cao.
Phạm Vĩnh Khương không chỉ sử dụng AI như một công cụ tự động hóa, còn biết cách khai thác để công nghệ hỗ trợ quá trình sáng tạo. Những phần mềm AI có khả năng phân tích hàng triệu dữ liệu để đưa ra các gợi ý kịch bản, xây dựng cốt truyện. Thậm chí, chúng còn tạo ra các thiết kế nhân vật dựa trên những yếu tố thị giác phức tạp.
"Tôi đang nghiên cứu tận dụng AI để tối ưu trong công tác phục dựng chất lượng hình ảnh lịch, cố gắng đào sâu khoảng âm thanh, âm nhạc sáng tác bằng AI. Dự án dài hơi tôi đang theo đuổi đó chính là làm phim hoạt hình, MV thiếu nhi theo phong cách cinematic 3D, tạo ra chuyên trang phục vụ cho các khán giả nhí. Quá trình tạo mô phỏng các nhân vật hoạt hình 3D sẽ được AI đồng bộ hóa để liền mạch nội dung. Tất cả những dự án này tôi đều thực hiện tất cả các khâu sản xuất chỉ bằng 1 cái điện thoại bình thường”, Phạm Vĩnh Khương chia sẻ.
"Tôi tin rằng AI trong điện ảnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và trở thành một công cụ không thể thiếu đối với những nhà làm phim trẻ. Đặc biệt AI và công nghệ di động giúp giảm chi phí, nhân lực và làm cho sản xuất phim trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết", Phạm Vĩnh Khương nhấn mạnh.
Trước sự lo ngại của nhiều người về việc AI có thể thay thế hoàn toàn con người trong ngành điện ảnh, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương khẳng định, AI chỉ là một công cụ hỗ trợ, còn sức sáng tạo và cảm xúc con người vẫn là yếu tố cốt lõi để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật chất lượng./.
Phương Hà