A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Gắn kết cung cầu, phát triển thị trường khoa học - công nghệ

Ngày 8/5, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định (1964-2024) và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, để đạt được mục tiêu đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm phát triển của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trung tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh cần tăng cường gắn kết cung cầu, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học - công nghệ; chủ động tiếp cận và khai thác những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho mục tiêu phát triển của tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị, ngành Khoa học và Công nghệ Nam Định tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng gắn với thực tiễn, lấy hiệu quả làm thước đo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo cần thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền khoa học và công nghệ của tỉnh ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế.

Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành Khoa học và Công nghệ đã triển khai Đề án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa giống” cho kết quả tích cực, các giống lúa thuần, lúa lai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống lúa mới, có khả năng chống sâu bệnh, cho năng suất chất lượng tốt. Giống lúa đã được sản xuất trên quy mô hàng hóa cung cấp trên 50% sản lượng giống cho người dân, với giá thành giảm từ 15-20% so với giá thị trường.

Đối với chăn nuôi, các kỹ thuật tiến bộ mới về giống, thức ăn, chuồng trại liên tục được ngành Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng vào sản xuất. Trên địa bàn đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, xuất hiện nhiều mô hình trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt như: trại lợn nái ngoại 600-800 con ở huyện Hải Hậu, Giao Thủy…

Trong lĩnh vực thủy sản, các trung tâm giống hải sản, trung tâm giống thủy đặc sản đã tích cực nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật tiến bộ mới vào sản xuất, cung cấp cho các vùng trong và ngoài tỉnh; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản cho năng suất, chất lượng cao.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho tỉnh Nam Định tổ chức thành công các sự kiện lớn về khoa học và công nghệ như: Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023, Vòng chung kết Robocon Việt Nam 2023… Hoạt động khoa học và công nghệ đã tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước hình thành thị trường công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài đề nghị, ngành Khoa học và Công nghệ Nam Định cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao; ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ mang tính định lượng gắn với nhu cầu xã hội, tạo giá trị gia tăng và phục vụ cho phát triển của tỉnh.../.

Công Luật


Tác giả: Mai Công Luật
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm