Khủng hoảng nhân sự đăng kiểm: Bộ Giao thông vận tải tìm giải pháp
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 1/3, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, đã nắm được kỹ tình hình khủng hoảng nhân sự ngành Đăng kiểm và đang xây dựng giải pháp.
Liên tiếp trung tâm đóng cửa
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT, tính đến ngày 1/3, thành phố Hà Nội có 18/31 trung tâm đăng kiểm đang phải đóng cửa. Trong đó, 17 trạm bị đóng cửa phục vụ điều tra và một trạm đóng do yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Thưa vắng nhân sự trong nhiều trung tâm đăng kiểm. Ảnh: Ngọc Mai
Các trạm mới đóng cửa gần đây nhất là: Trạm Đăng kiểm 29-25D (đường Trần Vỹ, Cầu Giấy) đóng cửa vào ngày 28/2; Trạm Đăng kiểm 29-27D (đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm) đóng cửa ngày 27/2.
Trước đó, Công an đã kiểm tra trung tâm đăng kiểm 29-05V (Đức Giang, Long Biên) bắt giữ một nguyên giám đốc và 2 cán bộ của trung tâm. Hai trạm đăng kiểm trên địa bàn Gia Lâm là 29-02V (xã Phú Thị) và 29-02S (Yên Viên) cũng bị đóng cửa để điều tra.
Với 13 trạm còn hoạt động tại Hà Nội, Cục Đăng kiểm cho biết, nhân sự đang thiếu trầm trọng, khiến các trạm phải bỏ trống dây chuyền, không đạt được công suất làm việc tối đa. Việc hàng loạt trạm đăng kiểm dừng hoạt động đã khiến dòng phương tiện dồn sang các trung tâm còn lại. Dù tháng 2, 3 không phải là giai đoạn cao điểm của chu kỳ kiểm định, tình trạng quá tải, xếp hàng chờ đợi từ rạng sáng vẫn xảy ra tại một số trạm.
Cả nước có 281 trung tâm đăng kiểm ô tô với 489 dây chuyền kiểm định. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam đến ngày 1/3, có 59 trung tâm đã dừng hoạt động, trong đó 51 trung tâm dừng hoạt động để phục vụ điều tra , 8 trung tâm dừng do không đủ điều kiện vận hành.
Không thể “đổ lỗi” cho cơ quan bảo vệ pháp luật
Trước khủng hoảng nhân sự đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép cả những nhân viên bị khởi tố đi làm trở lại. Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh cho biết, việc các đăng kiểm viên đang trong quá trình điều tra được tại ngoại đi làm giám sát kỹ thuật đặc thù sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, bởi những nhân viên này không còn yên tâm làm việc của mình.
“Sử dụng nhân sự này là việc cực chẳng đã, vì hết người nên Cục Đăng kiểm mới phải làm. Đăng kiểm viên là người giám sát kỹ thuật an toàn và phải được đào tạo và cấp chứng chỉ. Hiện, lĩnh vực đăng kiểm thiếu nhân sự nghiêm trọng nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM”, ông Thanh nói và cho rằng, để khắc phục tình trạng này, bây giờ chỉ kiến nghị cơ quan công an nên đẩy nhanh tiến độ điều tra để kết luận ai vi phạm quy định pháp luật, để người không vi phạm có thể yên tâm làm việc.
Liên quan đến kiến nghị bỏ đăng kiểm lần đầu với ô tô để hạn chế ùn tắc ở các trạm đăng kiểm, ông Thanh cho rằng, việc này chỉ nên áp dụng với xe con. Còn với xe tải, xe khách thì vẫn phải kiểm tra, đăng kiểm. Xe tải mới đóng thêm thùng hàng, bệ… vẫn phải đưa vào đăng kiểm xem có đảm bảo an toàn không và có đúng thiết kế không? Với xe khách, phải kiểm tra thêm camera, đèn có đủ công suất không?...
“Các cơ quan nhà nước, Bộ GTVT và bản thân Cục Đăng kiểm hiện nay đang lúng túng, bị động. Bộ trưởng GTVT nói trong tổng kết ngành Đăng kiểm là có phải thay 100% cũng phải làm, nhưng tôi chưa thấy những chỉ đạo của bộ trưởng; khắc phục điều gì chưa rõ”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết thêm, hiện tại, toàn ngành đăng kiểm khủng hoảng tâm lý. “Những người làm việc tại các trạm đăng kiểm chưa có ai bị bắt cho biết, họ lo lắng không biết mình có làm sai gì không; bao giờ trạm mình bị kiểm tra, kiểm tra xong có ai bị kết luận vi phạm không? Tuy nhiên, người phạm tội thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý chứ không thể đổ lỗi cho cơ quan pháp luật làm ảnh hưởng đến tâm lý của mình”, ông Thanh nói.