Hòn đá hiếm nặng hơn 24kg kỳ vọng được bán với giá 4 triệu USD
Một mảnh thiên thạch hiếm đến từ sao Hỏa sẽ được nhà đấu giá Sotheby’s bán ngày 16/7 với mức giá kỳ vọng lên tới 4 triệu USD.
![]() |
Một hòn đá từ sao Hỏa. (Ảnh: Patrick AVENTURIER/Gamma-Rapho/Getty) |
Phát hiện ngoài hành tinh rơi xuống sa mạc Sahara
Mảnh thiên thạch có tên chính thức là NWA 16788, được Sotheby’s mô tả là “phát hiện vô cùng hiếm” trong thông cáo báo chí đăng trên trang web của hãng.
Theo đó, khối đá này đã bị văng ra khỏi bề mặt sao Hỏa sau một vụ va chạm thiên thạch cực mạnh, sau đó rơi xuống sa mạc Sahara cách hành tinh đỏ hơn 225 triệu km.
Thiên thạch nặng khoảng 24,5 kg, có phần rộng nhất dài khoảng 38 cm, được phát hiện ngày 16/11/2023 bởi một thợ săn thiên thạch ở vùng hẻo lánh thuộc Niger, Tây Phi.
Sotheby’s cho biết đây là mảnh đá sao Hỏa lớn nhất hiện có trên Trái Đất, lớn hơn khoảng 70% so với mảnh lớn thứ hai từng ghi nhận.
Ít bị bào mòn, gần như còn nguyên vẹn
Sotheby’s khẳng định mảnh thiên thạch NWA 16788 hầu như chưa chịu tác động phong hóa tại Trái Đất, đồng nghĩa với việc cấu trúc vật lý và hóa học của nó gần như nguyên vẹn từ khi rơi xuống sa mạc.
“Nói cách khác, NWA 16788 có khả năng là ‘người mới đến’ trên Trái Đất, chỉ mới rơi xuống không lâu,” thông cáo viết.
Theo Sotheby’s, hiện chỉ có khoảng 400 mảnh đá sao Hỏa được biết đến trên Trái Đất – chiếm chưa đến 1% tổng số thiên thạch vũ trụ từng tìm thấy trên hành tinh chúng ta.
Bề mặt sao Hỏa.
Tranh cãi: Bán đấu giá hay tặng cho khoa học?
Phát biểu với CNN, ông Steve Brusatte, giáo sư cổ sinh vật học và tiến hóa tại Đại học Edinburgh (Scotland), cho rằng việc rao bán một mẫu vật quý như NWA 16788 thay vì quyên tặng cho nghiên cứu khoa học là điều đáng tiếc.
“Sẽ thật tệ nếu nó biến mất trong kho của một tài phiệt. Nó xứng đáng nằm trong bảo tàng, nơi trẻ em, gia đình và công chúng có thể chiêm ngưỡng và học hỏi,” ông nói.
Tuy vậy, một số chuyên gia khác lại cho rằng việc thu thập tư nhân có thể mang lại lợi ích cho giới nghiên cứu. Bà Julia Cartwright, nhà khoa học hành tinh và nghiên cứu viên độc lập tại Đại học Leicester, chia sẻ với CNN: “Cuối cùng, nếu không có thị trường mua bán thiên thạch, chúng ta sẽ không thể có nhiều mẫu vật trong tay – điều này thúc đẩy khoa học phát triển.”
“Không có ai đi tìm, thì cũng không có gì để nghiên cứu. Khi có mẫu vật, chúng ta mới có thể hiểu thêm về vũ trụ,” bà nói thêm.
Khác với meteoroid (thiên thể vẫn còn trong không gian) và meteor (thiên thạch bị đốt cháy khi xuyên qua khí quyển, thường tạo ra sao băng), meteorite là những gì còn sót lại sau quá trình khắc nghiệt này.