Thỏa thuận thuế Việt – Mỹ: Việt Nam trước cơ hội vượt tầm, củng cố vị thế kinh tế tư nhân
"Việt Nam đang đứng trước cơ hội vượt tầm: củng cố vị thế kinh tế tư nhân trong chuỗi giá trị toàn cầu nhờ đột phá thương mại Việt – Mỹ", ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội) nhận định.
Thỏa thuận thương mại đối ứng: Việt Nam và Mỹ cùng mở ra kỷ nguyên hợp tác cân bằng và cùng có lợi. Ảnh: C.V
Tại cuộc điện đàm ngày 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ về khuôn khổ hiệp định thương mại đối ứng công bằng và cân bằng. Ông Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó có xe ô tô phân khối lớn. Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.
Nhân sự kiện kinh tế quan trọng này, Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội).
Việc Mỹ cam kết cắt giảm đáng kể thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam là một dấu mốc mang tính bước ngoặt trong quan hệ kinh tế song phương, và hơn thế nữa, là cú hích chiến lược đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân - động lực tăng trưởng chủ đạo được xác lập trong Nghị quyết 68. Khi rào cản thuế quan dần được tháo bỏ, cánh cửa thị trường Mỹ - vốn là một trong những thị trường khó tính, cạnh tranh nhất toàn cầu trở nên rộng mở hơn bao giờ hết cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong các lĩnh vực có thế mạnh như dệt may, đồ gỗ, nông sản chế biến và linh kiện điện tử.
Khi thương mại không chỉ là xuất khẩu, mà là chuyển dịch vị thế
Cơ hội không chỉ nằm ở việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mà sâu xa hơn, là khả năng mở rộng quy mô sản xuất, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và từng bước nâng cấp năng lực cạnh tranh công nghệ, quản trị và tiêu chuẩn chất lượng của khu vực tư nhân. Việc giảm thuế không đơn thuần là giảm chi phí, nó là lời mời vào sân chơi lớn, nơi hàng hóa Việt buộc phải cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu và sự tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân vươn lên khỏi tư duy “gia công” sang “sáng tạo giá trị”, trở thành một mắt xích có bản sắc và sức cạnh tranh riêng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Quang Huy. Ảnh: C.V
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất không đến từ đối tác, mà đến từ chính nội lực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Việc tận dụng cơ hội này đòi hỏi sự chuẩn bị toàn diện về công nghệ sản xuất, quản trị chất lượng, năng lực nhân sự và khả năng thích ứng tiêu chuẩn quốc tế. Rào cản không nằm ở bên ngoài, mà chính là khả năng "tự nâng cấp" từ bên trong. Nếu không vượt qua được thách thức này, thì ngay cả khi cánh cửa thị trường đã mở, chúng ta vẫn chỉ có thể đứng nhìn mà không thể bước vào.
Ở chiều ngược lại, việc Việt Nam cam kết mở cửa cho hàng hóa Mỹ như ô tô phân khối lớn, sản phẩm công nghệ cao sẽ là phép thử lớn đối với năng lực sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp tư nhân phải hiểu rằng, cạnh tranh không còn là lựa chọn mà là quy luật sống còn. Nhưng thay vì co cụm, đây là thời điểm cần tư duy lại chiến lược sản phẩm, tái cấu trúc chuỗi giá trị nội địa, đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa không chỉ vì mục tiêu "thay thế nhập khẩu", mà là để gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong từng sản phẩm Việt Nam, vươn lên chuẩn quốc tế.
Không thể không nhắc đến nỗ lực đồng bộ của Việt Nam trong việc kiến tạo nền tảng hạ tầng vật lý và số. Các dự án hạ tầng chiến lược như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, hệ thống cảng biển quốc tế, cùng với hạ tầng số như 5G, điện toán đám mây, chuyển đổi số không chỉ giúp giảm chi phí logistics, mà còn tạo ra nền tảng để kinh tế tư nhân Việt có thể bứt phá. Đây là điều kiện cần, nhưng chưa đủ điều kiện đủ là chính sách thể chế và sự đồng hành mạnh mẽ, nhất quán của Nhà nước để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và có khả năng dự báo.
Thời khắc định hình tương lai
Trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng, Chính phủ Việt Nam cần hành động như một “nhạc trưởng” kiến tạo, điều phối các chính sách thuế, hải quan, logistics, thương mại số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… để tạo nên một hệ sinh thái thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tận dụng thời cơ. Sự đồng bộ không chỉ giúp tiết giảm chi phí mà còn tạo niềm tin chiến lược, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào chất lượng và năng lực cạnh tranh cốt lõi.
Dù Mỹ là thị trường quan trọng, Việt Nam không thể và không nên đặt toàn bộ kỳ vọng xuất khẩu vào một đối tác duy nhất. Việc đa dạng hóa thị trường hướng đến châu Âu, Đông Bắc Á, Trung Đông, châu Phi và cả thị trường Asean, nội địa, là chiến lược không thể thiếu để ứng phó với các cú sốc bất định trong thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tư duy lại theo hướng "quản trị danh mục xuất khẩu quốc gia", phân bổ rủi ro một cách chiến lược như một nhà đầu tư danh mục thông minh.
Từ góc nhìn dài hạn, quan hệ thương mại Việt – Mỹ không chỉ là mối quan hệ giữa hai quốc gia, mà còn là cơ hội để Việt Nam “bắt tay” với một nền kinh tế có trình độ quản trị, tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ hàng đầu, từ đó rút ngắn hành trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu được quản trị tốt, làn sóng hợp tác thương mại này có thể là bệ phóng cho một thế hệ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam toàn cầu hóa vừa mang bản sắc dân tộc, vừa vươn tầm quốc tế.
Tổng hòa các yếu tố từ cam kết thương mại, hạ tầng đồng bộ, đến quyết tâm chính trị đang tạo nên một thế trận mới để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển mang tính bản lề của dân tộc. Nhưng để bứt phá, kinh tế tư nhân phải không chỉ “tham gia” mà phải “dẫn dắt” bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng làm chủ sân chơi toàn cầu. Đây không chỉ là thời điểm của cơ hội mà là thời khắc định hình tương lai.