Hương trầm Hà Tĩnh: Không ngờ đơn hàng Tết nhiều hơn năm ngoái
‘Làm ngày làm đêm’ là cách mà người dân địa phương nói về các cơ sở sản xuất hương trầm ở Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh khi vào vụ Tết.
Nghề làm hương trầm, hương thẻ ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng 4 năm. Từ những sản phẩm thô sơ, đơn giản ban đầu, đến nay người dân đã đầu tư công nghệ, học hỏi kỹ thuật để đa dạng các sản phẩm từ cây dó trầm.
Người dân ở làng trầm Phúc Trạch, H.Hương Khê (Hà Tĩnh) đang tất bật sản xuất các loại hương, trầm nụ để phục vụ cho thị trường mùa tết Nguyên đán. |
Phúc Trạch - là “thủ phủ” trồng cây dó trầm nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh. Nhờ loại cây này nhiều gia đình phát triển kinh tế. Tận dụng có cây dó trầm, người dân Phúc Trạch đã mua máy móc, học hỏi kỹ thuật để sản xuất làm hương trầm.
Để sản xuất trầm hương, nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ ở địa phương đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, ngày càng đa dạng hoá các sản phẩm từ cây dó trầm, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Đặc biệt, người dân ở đây cũng rất chú trọng xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường, nhiều sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Hương sau khi làm xong sẽ được đóng gói và đưa đi tiêu thụ. |
Được xem là nơi làm hương lớn nhất xã Phúc Trạch, Nguyễn Chí Thành - Chủ cơ sở sản xuất hương trầm Đinh Gia ở thôn 4 xã Phúc Trạch cho hay mỗi ngày sản xuất và phân phối ra thị trường khoảng 25.000 que hương tương đương với 5 tạ bột nguyên liệu. Riêng sản phẩm hương trầm Phúc Trạch sản xuất 100% từ trầm hương của cơ sở đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2020.
Với sản phẩm hương thẻ, người dân sản xuất hoàn toàn bằng máy. Đặc biệt so với các sản phẩm hương khác, thì hương thẻ của người Phúc Trạch còn có thành phần là trầm hương của cây dó bầu.
Hương người dân sản xuất chủ yếu là hương thẻ, hương cuốn. Thành phần chủ yếu được làm từ phần thân gỗ của cây dó trầm tạo nên mùi hương dịu ngọt, khác biệt hơn so với các loại hương khác trên thị trường.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân Phúc Trạch đưa hương ra phơi nắng để đảm bảo chất lượng thành phẩm. |
Còn hương cuốn được làm thủ công, người dân tự cuốn. Các thợ cuốn hương phải làm tỉ mỉ, cẩn thận để những que hương chắc chắn, thơm.
Chia sẻ với phóng viên, anh Thành cho biết xưởng của anh chủ yếu sản xuất 3 loại hương là trầm, hương thẻ, hương nụ... Tùy từng loại và kích thước khác nhau mà giá bán cũng khác, dao động từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng, còn hương trầm nụ có giá bán 350.000 đồng/hộp.
Chạy dọc theo tuyến xã Phúc Trạch những ngày sát Tết, càng cảm nhận rõ hơn “mùi Tết” đang đến gần khi cứ cách 2 -3 căn nhà, chúng tôi lại bắt gặp những sạp hương vàng óng thơm mùi trầm, quế đang rực rỡ phơi mình dưới nắng.
Nhân công miệt mài làm việc những ngày cuối năm, tranh thủ kiếm tiền tiêu Tết. |
Nhiều chủ xưởng tranh thủ làm từ lúc mặt trời chưa mọc đến tối mịt, những người làm thuê nhân dịp này cũng tăng ca kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
“Thường những năm trước, tháng 9, 10 là tôi đã bắt đầu dự trữ hương cho dịp đến. Đến thời điểm này là xưởng tôi chất đầy hương rồi. Nhưng, tôi không ngờ năm nay đơn hàng nhiều hơn, thậm chí còn nhiều hơn cả năm ngoái nên chúng tôi đang làm ngày làm đêm để kịp giao cho khách…”, anh Thành nói.
Trong khi đó, sản phẩm hương cuốn lại được làm thủ công hoàn toàn. Do đơn đặt hàng lớn, những ngày này, người thợ cuốn hương thường làm việc từ sáng sớm cho đến hơn 10 giờ đêm.
Ở Phúc Trạch còn có 1 sản phẩm rất độc đáo là trầm nụ. Là sản phẩm mới ở địa phương, trầm nụ có thành phần trầm khá nhiều. |
Nhu cầu hương trầm tăng cao vào dịp Tết nên lượng nhân công ở các cơ sở sản xuất hương cũng tăng lên, đặc biệt là ở các xưởng hương lớn.
Vào cơ sở hương trầm của Bà Võ Thị Nga ở thôn 8, xã Phúc Trạch mùa Tết, chúng tôi thấy không khí làm việc hăng say của những người làm nhang. Người già, người trẻ đã tìm đến nghề này để có “đồng ra đồng vào”, nhất là vào dịp cuối năm.
Bà Nga chia sẻ, thời điểm này là mùa bận rộn nhất trong năm của người làm hương trầm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 4.000 thẻ hương mỗi ngày. Hàng hoá sau khi làm xong sẽ có các thương lái đến thu mua tại nhà để vận chuyển ra các thị trường phía Bắc, Nam. Các sản phẩm từ cây dó trầm được sản xuất và bán quanh năm. Tuy nhiên, giai đoạn gần Tết Nguyên đán nhu cầu tăng cao hơn.
“Những ngày này huy động toàn bộ người thân trong gia đình hỗ trợ cùng làm hương để phục vụ thị trường Tết. Hương trầm ở Phúc Trạch chủ yếu làm thủ công, phần lớn sử dụng bột từ cây dó trầm nên rất thơm và mùi đặc trưng riêng được nhiều khách tin tưởng và sử dụng”, bà Nga chia sẻ.
Được sản xuất hoàn toàn từ trầm hương, song, một số sản phẩm trầm nụ có trộn phụ gia như quế, hương bài... |
Càng cận ngày Tết, những đơn hàng cuối cùng cần hoàn thành nên chị Nga phải thuê thêm nhân công để cuốn, làm hương cho kịp. Không khí làm việc tấp nập, rộn ràng như chạy đua với thời gian để những cây trầm kịp tỏa hương trên bàn thờ của các gia đình trong ngày tết.
Ở Phúc Trạch còn có 1 sản phẩm rất độc đáo là trầm nụ. Là sản phẩm mới ở địa phương, trầm nụ có thành phần trầm khá nhiều. Với đặc điểm khói chìm, khi đốt sẽ tạo thành thác khói khá đẹp mắt, bởi vậy, trầm nụ còn được để làm cảnh.
Ngoài ra, năm nay, ở Phúc Trạch còn có thêm sản phẩm hương trầm không tăm. Sản phẩm này dùng để đốt, xông trong phòng, trên xe ô tô... bằng các loại hộp đốt chuyên dụng. Ngoài mùi hương thơm đặc trưng, sản phẩm còn tạo ra sự tao nhã, sang trọng.
Trầm nụ được sản xuất thủ công, có khuôn tạo hình riêng. |
Với quan niệm dó trầm đưa lộc vào nhà, mang lại may mắn cho gia chủ trong dịp Tết. Do vậy, nhu cầu về các sản phẩm từ dó trầm những ngày tết ngày càng lớn. Những sản phẩm từ cây dó trầm không chỉ được bán ở thị trường trong nước mà còn được bán ra cả nước ngoài.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, cùng với bánh chưng, dưa hành, câu đối, trên ban thờ tổ tiên mỗi gia đình không thể thiếu những nén hương thơm thể hiện tấm lòng hiếu kính của con cháu với ông bà tổ tiên.