Chuyện đón Tết của những người trên giàn khoan giữa biển khơi
Những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, những người thợ dầu khí trên giàn Hải Thạch – Mộc Tinh chỉ được nghỉ duy nhất chiều ngày cuối cùng của năm cũ. Họ gác lại niềm thương nhớ gia đình, tạm quên không khí Tết và để làm việc với cường độ cao giữa mênh mông sóng gió biển Đông.
Tết gọn trong chiều 30
Khác với những công việc khác, ít ai biết rằng dường như những người thợ dầu khí làm việc những giàn khoan dầu giữa mênh mông sóng gió của biển không nghỉ ngơi khi trên đất liền nhà nhà, người người vui xuân đón tết. Những người thợ trên giàn Hải Thạch – Mộc Tinh chỉ được nghỉ duy nhất chiều ngày cuối cùng của năm cũ.
Người lao động làm việc trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh. Ảnh: T.H. |
Kế hoạch làm việc trên giàn ngày Tết đã được chuẩn bị trước hàng tháng, khi Tết dương lịch còn chưa qua đi, anh em sẽ rà soát lịch ở giàn của mình xem những ngày Tết đang ở trên bờ hay ngoài giàn. Với những người năm ngoái đã được ở trên bờ đón Tết cùng gia đình thì năm nay sẽ trực ở giàn. Vì thế anh em cứ 1 năm ở giàn, 1 năm trên bờ.
Khi Tết về, các kỹ sư, người lao động trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh, vẫn tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ với cường độ gấp hai, gấp ba ngày thường. Đó là đặc thù công việc của các giàn khai thác khí. “Khi Tết đến, các nhà máy, xí nghiệp… dừng sản xuất thì nhu cầu điện tạm giảm đi. Lúc đó, các nhà máy điện khí mới có thể giảm công suất, các giàn khai thác khí như Hải Thạch – Mộc Tinh mới giảm công suất theo.
Giảm công suất thì mới có thể triển khai sửa chữa lớn trên giàn. Nhưng nghỉ Tết chỉ có chừng 1 tuần, đồng nghĩa với thời gian nhu cầu khí tạm giảm cũng chừng đó. Vậy nên để triển khai sửa chữa lớn, các kỹ sư trên giàn phải tập trung cao độ, làm việc liên tục với cường độ cao”, anh Đoàn Mai Lâm – Giàn trưởng cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh cho biết.
Thi gói bánh chưng trên giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh. Ảnh: Thanh Hiếu. |
Cũng theo anh Lâm, trong năm chỉ duy nhất chiều 30 Tết là anh em được nghỉ sớm, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ khu vực làm việc của mình và chuẩn bị đón Giao thừa. Để giúp anh em trên giàn vơi đi nỗi nhớ nhà, mỗi mùa Tết, trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh sẽ tổ chức thi gói bánh chưng, thi cờ tướng, thi bóng bàn…Trong đó nhiều tiếng cười nhất là thi gói bánh chưng.
Mỗi sáng thứ hai, gần 50 con người làm việc trên cụm giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh đều thực hiện lễ chào cờ, tiếng quốc ca hòa cùng tiếng sóng. Lễ chào cờ Tổ quốc đầu tuần nhằm giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và biết ơn đối với thế hệ đi trước đã cống hiến, hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; nhắc nhở toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên giàn khoan nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. |
Nguyên vật liệu gói bánh đã được bộ phận trên bờ chuyển ra giàn từ trước đó mấy ngày. Những hoạt động như thế giúp cho những người thợ dầu khí ở nơi biển xa xích lại gần nhau hơn trong những ngày Tết và tạo cho anh em tinh thần phấn khởi để tiếp tục lao động hăng say nhiệt huyết hơn trong năm mới.
Nén hương duy nhất trong năm
Không chỉ ngày Tết, thắp hương là chuyện bình thường trên đất liền, nhưng ở trên giàn, nhất là giàn khai thác khí như cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh lại là một chuyện hi hữu. Bởi công tác an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Công tác an toàn nghiêm ngặt như thế nên chuyện thắp hương đêm giao thừa trên cụm giàn này cũng có nhiều chuyện để kể.
Mất khoảng nửa ngày chuẩn bị để nén hương duy nhất trong năm được thắp lên. Để được thắp hương, phải xin giấy phép từ Tổng công ty trong đất liền. Từ ngoài biển, giàn trưởng phải làm một báo cáo chi tiết về quy trình thắp hương, quy trình phòng chống cháy nổ gửi về Ban an toàn của Tổng công ty. Sau khi được đồng ý bằng văn bản, giàn trưởng phải bố trí đầy đủ các quy trình phòng chống cháy nổ để đêm Giao thừa có thể thắp hương.
Kiểm tra thiết bị trên cụm giàn khoan. Ảnh: Thanh Hiếu. |
Chiều ngày 30 Tết, một giám sát an toàn đã phải đem theo máy dò khí dò khắp khu vực nhà ở (nơi đặt bàn thờ thắp hương) để đảm bảo không có khí rò rỉ. Đồng thời, hệ thống điều hòa không khí trong khu vực được kiểm tra chặt chẽ, luôn phải đảm bảo áp suất không khí bên trong luôn cao hơn bên ngoài. Việc này nhằm để không khí bên ngoài (là nơi có khả năng có khí cháy nổ) không thể xâm nhập vào khu vực tổ chức thắp hương.
Hệ thống báo cháy được tạm cô lập, để tránh trường hợp tự động tắt giàn. Các máy dò khí được đặt xung quanh các cửa để có thể kịp thời báo động nếu có khí rò rỉ vào bên trong. Sau khi được đồng ý bằng văn bản, giàn trưởng phải bố trí đầy đủ các quy trình phòng chống cháy nổ để đêm Giao thừa có thể thắp hương. Giao thừa đến, giàn trưởng thắp ba nén hương và cùng anh em cầu chúc cho gia đình, bản thân luôn mạnh khỏe, làm việc an toàn, công việc hanh thông. Rồi anh em chờ hương cháy hết, dọn dẹp và khởi động lại hệ thống báo cháy, rồi lại gửi thông báo về đất liền rằng đã tắt hương.
Thời điểm đó, những người đàn ông quanh năm sống trên sắt thép và sóng biển sẽ chìm vào những hồi tưởng về thế giới Tết trên bờ, là những lời hỏi thăm về gia đình, chúc cho một năm mới nhiều sức khỏe, là những lời dặn dò trước năm mới. Và một lời hẹn sau Tết sẽ về nhà, bù đắp lại cho vợ con, gia đình những khoảng thời gian các anh vắng nhà.
Bàn thờ ngày Tết trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh. Ảnh: Thanh Hiếu. |
Những chuyện được nghe về những người thợ dầu khí đã và đang làm việc trên giàn khoan giữa biển khơi để mang về những giọt dầu quý giá làm giàu cho Tổ quốc đã khiến chúng tôi càng khâm phục hơn bản lĩnh con người Việt Nam.