A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng Tháp mong muốn các chuyên gia đóng góp cho định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, những cơ chế, chính sách, mô hình nào phù hợp v.v

Quang cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: Nguyệt Ánh/ Báo Đồng Tháp)

Ngày 19/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Tọa đàm Chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn bền vững, để tham vấn ý kiến các chuyên gia đối với dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm định hướng cụ thể trong việc phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh bền vững, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Mở đầu Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ trưởng nhấn mạnh, Đồng Tháp là địa phương được Chính phủ chọn thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long và hôm nay cần tiếp tục xem Đồng Tháp là nơi đặt dấu ấn, hành trình để đưa Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa ra các địa phương có cùng điều kiện sinh thái về sản xuất nông nghiệp.

Trình bày dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án mới có sự kế thừa Đề án cũ và tiếp tục phát huy ưu thế nông nghiệp, trong đó nhất quán việc đổi mới mạnh mẽ tư duy “kinh tế nông nghiệp” và nâng cao giá trị gia tăng.

Phát triển mới so với Đề án cũ đó là xây dựng nông nghiệp sinh thái gắn với mô hình tăng trưởng; hình thành vùng chuyên canh nông sản chất lượng cao; tổ chức lại sản xuất theo thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực và chuyển dịch lao động, bổ sung ngành hàng Sen vào ngành hàng chủ lực.

Mục tiêu của Đề án là tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025 đạt 3,5%/năm; thu nhập của người dân nông thôn gấp 02 lần so với năm 2020; giảm nghèo đa chiều 1,0%/năm; chuyển dịch lao động nông thôn giảm còn dưới 40% lao động xã hội; 20% lao động nông nghiệp qua đào tạo; thành lập mới 35 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; thúc đẩy chuyển đổi số,...

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp. Cùng với đó, trước xu hướng phát triển chung, đặc biệt là chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được ban hành, nông nghiệp Đồng Tháp cần có sự thay đổi.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, những cơ chế, chính sách, mô hình nào phù hợp,... 

Với sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, các chuyên gia khuyến nghị tỉnh tiếp tục sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là thị trường EU đang có nhiều tiềm năng; truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu và xây dựng chương trình truyền thông chủ động để tiếp cận thị trường nước ngoài.

Đồng Tháp cần quan tâm đến các sản phẩm OCOP, mang tính chất hồn cốt Việt Nam được sản xuất tại Đồng Tháp, điển hình như sản phẩm về sen; tạo ra điểm nhấn du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, nâng cấp hoạt động của Hội quán, phát triển các trường đào tạo nông dân gắn với Hội quán; lộ trình 03 bước của mô hình Doanh nghiệp dẫn dắt hợp tác xã; quản lý vùng trồng qua phần mềm; làm rõ ngân sách cho Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, mô tả quản lý, bổ sung lĩnh vực lâm nghiệp cũng được các chuyên gia chia sẻ, góp ý.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cảm ơn và ghi nhận các ý kiến góp ý của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuyên gia và cho biết sẽ nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Đề án./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm