Doanh nghiệp cần chủ động mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa ra nước ngoài
Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa sang các nước đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) vừa có Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước tác động đến phát triển công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong tháng 6/2025.
Về tình hình thế giới, báo cáo nêu rõ điểm nổi bật là việc nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Intel, Nike và HP đang kiến nghị Chính phủ Mỹ xem xét giảm mức thuế nhập khẩu 46% đang áp dụng đối với hàng hóa từ Việt Nam. Các doanh nghiệp này nhấn mạnh vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng giúp các tập đoàn Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm rủi ro và duy trì ổn định sản xuất toàn cầu.
Cũng theo báo cáo, với việc căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông giữa Israel và Iran đang leo thang đến đỉnh điểm, thị trường năng lượng thế giới tuần từ 9 - 15/6 chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của hầu hết các mặt hàng chủ chốt trong nhóm. Trong đó, giá dầu mở rộng đà tăng sang tuần thứ hai liên tiếp. Cụ thể, giá dầu WTI tăng vọt hơn 13%, lên mức 72,9 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng hơn 4 tháng trở lại đây, trong khi dầu Brent cũng ghi nhận mức tăng trên 11%, chạm mốc 74,23 USD/thùng.
Đối với tình hình trong nước, kinh tế - xã hội tháng 5/2025 và 5 tháng đầu năm 2025 tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực, tốt hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước; trở thành động lực hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 6/2025 và thời gian tới. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được điều chỉnh giảm, nhất là lãi suất cho vay ngắn hạn.
Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tháng 5/2025 tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2025 ước tính tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, IIP ước tính tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 7,1%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2025 ước đạt 574,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự cải thiện trong hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục được đẩy mạnh trong tháng 5/2025 với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 78,64 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 355,79 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,0%; nhập khẩu tăng 17,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,67 tỷ USD…
Tình hình thế giới 5 tháng đầu năm 2025 có nhiều biến động, ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và thương mại của Việt Nam. Ảnh minh hoạ
Doanh nghiệp cần tăng cường năng lực sản xuất
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng nêu rõ những cơ hội và thách thức đối với phát triển công nghiệp và thương mại của Việt Nam thời gian tới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Về mặt thách thức, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ nên việc giá dầu tăng vọt trên thị trường thế giới sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất của nhiều ngành công nghiệp, từ đó có thể đẩy giá thành sản phẩm lên cao và ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Đồng thời, sự tăng giá năng lượng cùng với những bất ổn trên thị trường toàn cầu có thể gây áp lực lên lạm phát trong nước. Hơn nữa, đồng USD có xu hướng mạnh lên trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của VND so với USD, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và quản lý nợ công của Việt Nam.
Với nền công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô như nước ta hiện nay, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào. Giá nguyên liệu tăng không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm, mà còn khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn trong việc giữ vững lợi nhuận và năng lực cạnh tranh…
Về cơ hội, việc các tập đoàn lớn đang đề nghị Chính phủ Mỹ xem xét giảm mức thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Những yếu tố này giúp Việt Nam củng cố vị thế là điểm đến thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất linh kiện và chế tạo. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp Việt Nam thu hút thêm đầu tư, nâng cao năng lực và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu vật liệu xây dựng do nhu cầu tăng sau những biến động tại Trung Đông.
Việc Mỹ và Việt Nam tiếp tục đàm phán thương mại tích cực, đặc biệt tại vòng đàm phán lần thứ ba vừa qua ở Washington, cho thấy hai bên đang tiến gần tới một thỏa thuận song phương. Nếu đạt được thỏa thuận, hiệp định này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Nhiều mặt hàng như điện tử, dệt may, gỗ và thủy sản có thể được giảm thuế và bớt gặp khó khăn về thủ tục, từ đó tăng khả năng cạnh tranh so với các nước khác, tạo thêm động lực cho xuất khẩu, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Mỹ...
Về những giải pháp trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương) kiến nghị các cơ quan Nhà nước triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ để thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước đối tác lớn; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; khẩn trương kết thúc đàm phán, khởi động đàm phán, ký kết các FTA mới với Trung Đông, Ấn Độ, Châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Á… và đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Chuẩn bị kỹ lưỡng và tích cực trao đổi, làm việc với các cơ quan của Hoa Kỳ để đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng, bảo đảm hài hòa, hợp lý, phù hợp lợi ích của hai bên.
Tập trung rà soát, cập nhật quy tắc xuất xứ hàng hóa và cơ chế chứng nhận xuất xứ theo FTA thế hệ mới, đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến để nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp kết nối cung - cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm địa phương; kích cầu tiêu dùng trên từng địa bàn, từng mặt hàng và phạm vi cả nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, chương trình OCOP, các chương trình khuyến mại toàn quốc, đưa hàng hóa đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thiết lập hệ thống theo dõi sát biến động giá nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường quốc tế để kịp thời có biện pháp điều tiết, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối phó với biến động do chính sách thuế quan toàn cầu, đặc biệt là đối với các nhóm hàng như thép, nhôm, đồng và nhựa công nghiệp...
Về phía doanh nghiệp cần chủ động tăng cường năng lực sản xuất thông qua áp dụng số hóa, tự động hóa và sản xuất thông minh; đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, logistics; tập trung trang bị kiến thức về pháp lý và kỹ thuật trong phòng vệ thương mại như vấn đề chống bán phá giá, chống trợ cấp; tăng cường tự đào tạo về thương mại quốc tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp cần tập trung trang bị kiến thức về pháp lý và kỹ thuật trong phòng vệ thương mại như vấn đề chống bán phá giá, chống trợ cấp; tăng cường tự đào tạo về thương mại quốc tế, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thêm vào đó, chủ động tìm kiếm, mở rộng hệ thống phân phối hàng hoá sang các nước đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và một số quốc gia khu vực châu Mỹ hoặc Trung Đông. Cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội xuất khẩu, hạn chế rủi ro phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và dễ thích ứng hơn khi có những biến động xảy ra.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam đã ký FTA (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…) để bù đắp thị phần sụt giảm tại thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Hoa Kỳ như khu vực thị trường ASEAN, EU, Trung Đông, châu Phi, Nam Á, Mỹ Latinh.