Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, trà sữa, bánh kẹo thì sao?
Nếu nước giải khát có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Quốc hội cho rằng, người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại nước khác có lượng đường tương đương nhưng không phải đối tượng chịu thuế như trà sữa, cà phê pha sẵn, nước ép bán ngoài đường phố…
Sáng 9/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý.
Với mặt hàng nước giải khát có đường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định lộ trình: Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.
Nước dừa, nước ép hoa quả nguyên chất có bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt?
Nêu ý kiến, đại biểu Trần Văn Khải nói, dự thảo bổ sung thuế suất 10% với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml là “chưa hợp lý vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn”.
Bởi theo ông, khái niệm “nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam” chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có gas.
“Thực tế, 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có bị coi là nước giải khát chịu thuế hay không”, đại biểu Khải cho hay.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải. Ảnh: P.Thắng
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhận định, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có thể sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, ảnh hưởng đến người nông dân vì ngành sản xuất nước giải khát sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên như mía, dừa…
Đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng nêu bất cập khi nhiều sản phẩm khác có lượng đường cao hơn nước ngọt nhưng lại không bị đưa vào diện đánh thuế, như bánh kẹo và nhiều mặt hàng khác.
"Nói nước giải khát có đường gây béo phì thì chưa chắc"
“Nếu nói nước giải khát có đường gây béo phì thì chưa chắc, vì gây béo phì ở trẻ hiện nay có nhiều loại sản phẩm khác. Ví dụ, hiện nay trẻ mê nhất là trà sữa và những quán ăn bên ngoài có nhiều thực phẩm ngọt bán tràn lan”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm.
Ông Hòa nói đây là điểm bất hợp lý nên cần xem xét cho phù hợp.
Nếu nước giải khát có đường bị đánh thuế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng, người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại nước khác có lượng đường tương đương nhưng không phải đối tượng chịu thuế.
Trà sữa, cà phê pha sẵn, nước ép bán ngoài đường phố… những nước này uống khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường.
“Chính sách này có thể vô tình thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất thủ công, không chính thức, và những sản phẩm này rất khó kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm”, bà Dung nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) lưu ý, trà sữa, cà phê pha sẵn, nước ép bán ngoài đường phố… những nước này uống khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường. Ảnh: P.Thắng
Đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, thu thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng nếu thực hiện quá nhanh và mạnh có thể gây hiệu ứng ngược, làm giảm nguồn thu trong trung và dài hạn.
Thêm nữa, khi thuế tiêu thụ đại biểu tăng cao, giá bán hàng hóa cũng sẽ tăng theo, kéo theo sự suy giảm trong tiêu dùng và vật tư. Cụ thể, doanh thu từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng do tình hình kinh doanh suy giảm.
Bà Dung cũng lo ngại chính sách có thể khiến người lao động trong ngành nước giải khát và chuỗi cung ứng liên quan đối mặt với việc giảm thu nhập, thậm chí mất việc…
Đề nghị lùi thời gian đánh thuế nước giải khát có đường
Từ đó, bà Dung kiến nghị trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn tiềm ẩn nhiều thách thức, sức mua suy giảm, khó khăn trong sản xuất kinh doanh…, việc đưa vào áp dụng chính sách mới, điều chỉnh tăng thuế suất nếu áp dụng quá sớm có thể khiến gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung.
Bà Dung đề nghị lùi thời hạn đánh thuế nước giải khát có đường từ năm 2028 với lộ trình tăng dần, ví dụ tăng 3-5-7% để doanh nghiệp từng bước thích nghi.
Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề nghị xây dựng lộ trình áp thuế theo hướng: Có thể lùi thời điểm áp thuế với mức khởi điểm thấp như 5-8% trong năm đầu, rồi tăng lên 10% vào các năm tiếp theo, để giúp doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ) có thời gian thích ứng và cải tiến công thức giảm đường.
Cạnh đó, ông g Khải đề nghị định nghĩa cụ thể loại đồ uống có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng hoặc có nguồn gốc tự nhiên như nước ép 100% trái cây, sữa, nước dừa nguyên chất….
“Việc này nhằm tránh đánh thuế nhầm lên ngành nông nghiệp, đồng thời tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất trong nước”, ông Khải nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị đánh giá kỹ tác động và chưa nên đánh thuế với nước giải khát có đường vào thời điểm này.