Chiến sự Nga-Ukraine: EU sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine
Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã thể hiện sự sẵn sàng giải quyết vấn đề cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine.
"Sẵn sàng và mong muốn, đó là kết luận của tôi từ cuộc họp tại Paris. Châu Âu sẵn sàng và mong muốn tiến lên. Cụ thể là việc dẫn đầu trong cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine", TASS dẫn thông tin ông Rutte viết mạng xã hội X.
Ngoài ra, theo ông Rutte, Liên minh châu Âu (EU) "sẵn sàng và mong muốn đầu tư nhiều hơn vào an ninh". "Các chi tiết cần phải được làm rõ, nhưng các cam kết thì rất rõ ràng", ông Rutte nhấn mạnh.
Trước đó, 8 nước châu Âu đã tổ chức một cuộc họp không chính thức về Ukraine tại Paris theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Cuộc họp có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu, cũng như Tổng thư ký NATO.
Một số diễn biến khác liên quan:
Những trở ngại trong quá trình đàm phán với Ukraine
Theo Giáo sư lịch sử Đại học Tổng hợp Mỹ, Giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân Peter Kuznick, rào cản lớn nhất vẫn không phải là việc Ukraine gia nhập NATO hay thậm chí là việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ mới, mà là việc cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine được Nga chấp nhận.
![]() |
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục có các diễn biến nóng trên chiến trường. Ảnh: RIA |
“Tổng thống Zelensky đang kêu gọi triển khai 200.000 quân gìn giữ hòa bình của NATO. Nhưng Tổng thống Putin sẽ không bao giờ đồng ý với điều này”, ông Kuznik nói với Izvestia.
Các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ năm 2022 giữa Moscow và Washington diễn ra vào ngày 18/2 tại Saudi Arabia. Các bên sẽ thảo luận về việc khôi phục toàn bộ phạm vi quan hệ song phương, cũng như triển vọng giải quyết xung đột Ukraine.
Ukraine nhận tin vui từ EU
EU đang thúc giục các quốc gia thành viên tăng cường nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho Ukraine trong năm nay, bao gồm hệ thống phòng không, tên lửa và ít nhất 1,5 triệu quả đạn pháo.
TASS dẫn thông tin từ Cơ quan ngoại giao EU cho biết, đề xuất thúc giục các nước thành viên liên minh tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách nhất trong ngắn hạn của nước này.
EU kêu gọi các quốc gia thành viên cam kết cung cấp một lượng vũ khí cụ thể "càng sớm càng tốt vào năm 2025", nhưng không nêu rõ con số.
Đề xuất bao gồm "đạn pháo cỡ lớn, với mục tiêu ít nhất là 1,5 triệu viên" cũng như "hệ thống phòng không, tên lửa (tấn công tầm xa chính xác), thiết bị bay không người lái”.
Nga-Ukraine sẵn sàng giải quyết vấn đề Ukraine
RIA đưa tin, trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov đã bác bỏ mọi khả năng về một cuộc đàm phán ba bên tại Saudi Arabia, khẳng định rõ cuộc gặp sắp tới sẽ chỉ diễn ra giữa Nga-Mỹ.
"Chúng tôi đến Riyadh với mục đích duy nhất là đàm phán với phía Mỹ. Đây là cuộc đối thoại hoàn toàn mang tính song phương”, ông Ushakov nhấn mạnh.
![]() |
Lực lượng Nga hoạt động ở Ukraine. Ảnh: RIA |
Dự kiến, cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng (giờ Moscow) ngày 19/2. Phái đoàn Nga sẽ do Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và ông Ushakov dẫn đầu.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, phía Nga sẽ có đại diện là các ông Lavrov và Ushakov, những người sẽ thảo luận với các đối tác Mỹ về việc khôi phục toàn bộ các quan hệ song phương, cũng như công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai nước và các cuộc đàm phán có thể diễn ra để giải quyết vấn đề Ukraine.
Châu Âu xem xét khả năng triển khai quân tới Ukraine
Theo Washington Post, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một cuộc họp tại Paris với các nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu để thảo luận các kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ Ukraine và xây dựng sự đồng thuận về việc triển khai quân.
Hiện tại, các đề xuất bao gồm việc gửi một lực lượng răn đe của châu Âu với 25.000-30.000 binh sĩ. Lực lượng này sẽ không đóng quân tại tiền tuyến mà sẽ hiện diện nhằm ngăn chặn sự gây hấn tiếp theo của Nga. Nếu cần thiết, lực lượng này có thể được tăng cường thêm.
Pháp đang dẫn đầu trong quá trình lập kế hoạch và đã tuyên bố có thể đóng góp tới 10.000 binh sĩ, trong khi các đồng minh châu Âu khác vẫn đang đánh giá khả năng.
Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố, London sẵn sàng gửi quân “nếu cần thiết”, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Anh và gia tăng áp lực lên các quốc gia châu Âu khác để làm rõ cam kết của họ.
Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky hoan nghênh các cuộc thảo luận về sự hiện diện quân sự của châu Âu tại Ukraine, đồng thời tuyên bố: “Chúng tôi muốn các đảm bảo an ninh không chỉ trên giấy tờ, mà còn phải có trên mặt đất, trên biển và trên không”.
Trong khi đó, phía Nga đã phản ứng một cách thận trọng. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng, “chưa có cuộc thảo luận thực chất nào” về việc triển khai quân châu Âu, nhưng thừa nhận vấn đề này có tầm quan trọng đáng kể.