Đề xuất giải pháp nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
Sáng 29/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Y tế tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em (thuộc Dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025).
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Tô Thị Tâm cho biết, phụ nữ, trẻ em nói chung và phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên quan tâm bảo vệ, chăm sóc. Nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm cho an toàn và phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em được triển khai hiệu quả.
Tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cao hơn nhiều so với vùng thành thị, đồng bằng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn hạn chế; phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh... Tình trạng phụ nữ có thai không đi khám và quản lý thai, đẻ tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tại tỉnh Đắk Lắk, có khoảng 36% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là đồng bào dân tộc thiểu số, được xác định là địa phương có tỷ lệ sinh con tại nhà cao.
Bà Tô Thị Tâm cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn trong thực hiện như: Tình hình khám thai tại cơ sở y tế của các bà mẹ người dân tộc thiểu số chưa đảm bảo đủ số lần theo quy định; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, sinh con thiếu tháng vẫn cao; việc sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ còn thấp; nhận thức về tầm quan trọng của chính sách này có lúc, có nơi chưa thật sự đầy đủ, chính xác...
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị chuyên môn, đại biểu, cấp, ngành đã đánh giá thực trạng, thảo luận, làm rõ những nguyên nhân tồn tại, hạn chế, vướng mắc để đề ra các giải pháp trọng tâm để thực hiện gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn. Các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị giải pháp triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em được thụ hưởng trong thời gian tới; xây dựng, nhân rộng và phát huy vai trò của các mô hình phụ nữ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; công tác phối hợp với các ngành chức năng trong việc hỗ trợ tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em...
Đắk Lắk là tỉnh có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống với dân số khoảng 1,9 triệu người. Toàn tỉnh có trên 430.000 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên; trong đó có trên 80.078 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh gắn thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” tập trung các nội dung, hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tại 519 thôn, buôn thuộc 54 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn (ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục...).
Hội đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 230 học viên là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, xã thuộc địa bàn thực hiện Dự án 8; tổ chức 20 hội nghị truyền thông, tập huấn về nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ kiến thức làm mẹ an toàn và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế với hơn 1.940 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Các cấp Hội đã in tờ rơi màu về nội dung phòng, chống bạo lực gia đình và kiến thức làm mẹ an toàn cấp phát cho 8.000 hội viên phụ nữ và người dân trong vùng dân tộc thiểu số 8 xã vùng Dự án 8; vận động phụ nữ có thai đi khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở y tế và vận động đưa trẻ dưới 24 tháng đi khám sức khỏe định kỳ…/.
Nguyên Dung