A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng bào Ơ Đu phát triển kinh tế tại bản tái định cư Văng Môn

Dân tộc Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc trên cả nước. Đồng bào Ơ Đu hiện diện duy nhất trên địa bàn huyện Tương Dương, Nghệ An. Trước đây, người Ơ Đu sinh sống chủ yếu ở hai bản Xốp Pột, Kim Hòa thuộc xã Kim Đa và một số ít hộ sinh sống rải rác ở xã Kim Tiến và xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Năm 2006, người Ơ Đu di chuyển về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) để nhường đất cho Nhà máy thủy điện Bản Vẽ.

* Phá thế độc canh

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương với những chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ thiết thực, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, đồng bào Ơ Đu đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phá thế độc canh cây lúa trên nương rẫy. Nhờ đó, cuộc sống của người Ơ Đu đã có nhiều đổi thay.

Tận dụng lợi thế, tiềm năng giao thương khi Quốc lộ 48C chạy qua nhà, gia đình chị Lo Thị Nga đã đầu tư, mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, bán các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm, đồ gia dụng... Chị Nga cho biết, từ năm 2006, khi về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư, mở quán tạp hóa này.
Gia đình chị Nga là một trong những gia đình ở bản Văng Môn tiên phong và thành công trong việc kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Đến nay, cả bản Văng Môn đã có 6 cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân Ơ Đu ở bản và các bản Đàng, Pột… lân cận. Lợi nhuận từ việc kinh doanh cửa hàng tạp hóa đã giúp kinh tế gia đình chị và các chủ cửa hàng khác trong bản Văng Môn phát triển ổn định, bền vững.

Chị Lo Thị Nga cho biết: Khi còn ở bản Kim Hòa (xã Kim Đa, huyện Tương Dương) gia đình chị đã có cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Nhưng do nơi ở cũ khó khăn về giao thông, nằm biệt lập giữa đại ngàn, ra vào bản phải đi đường sông bằng thuyền nhỏ, bè mảng nên cửa hàng quy mô nhỏ, chỉ bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Khi gia đình chuyển ra bản tái định cư Văng Môn sinh sống, tại nơi ở mới, điều kiện giao thông thuận lợi, sức mua của người dân tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, gia đình chị Lo Thị Nga tiếp tục đầu tư, mở cửa hàng tạp hóa với quy mô lớn hơn, đa dạng hơn các mặt hàng bán lẻ như bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt, lương thực, thực phẩm… Đặc biệt, vào những dịp lễ, Tết sức mua của người dân trong bản Văng Môn và dân cư ở các bản lân cận tăng mạnh, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc kinh doanh, bán buôn ở cửa hàng. Nhờ cửa hàng tạp hóa, gia đình chị đã có thu nhập khá, ổn định để trang trải cuộc sống và tích lũy tài chính, sửa sang nhà cửa, mua sắm các vật dụng cho gia đình.

Ngoài kinh cửa hàng doanh tạp hóa, gia đình chị Lo Thị Nga còn mở trang trại chăn nuôi lợn ngay tại bản Văng Môn. Mỗi năm, gia đình chị nuôi từ 20 đến 40 con lợn thịt. Sau khoảng hơn 4 tháng, lợn trưởng thành, cân nặng từ 70 đến 80kg/con, gia đình chị sẽ xuất chuồng, bán cho thương lái. “Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng trang trại được gia đình thực hiện từ nhiều năm qua. Mỗi năm, trừ đi các khoản chi phí, trang trại chăn nuôi mang về cho gia đình khoản thu nhập từ 70 đến 90 triệu đồng”, chị Lo Thị Nga cho biết.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại trong việc chăn nuôi, nhiều hộ dân trong bản Văng Môn đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn nái, lợn giống, tạo nên thế mạnh chủ lực trong kinh tế của gia đình. Ông Lo Văn Cường, bản Văng Môn cho biết: Mỗi năm vào dịp gần Tết, gia đình ông xuất bán hơn 10 con lợn cho thương lái và người trong xã, mỗi con nặng khoảng từ 50 đến 60kg. Nhờ khoản thu nhập từ chăn nuôi lợn, vợ chồng ông cũng có đủ tài chính để chi tiêu trong năm và dành dụm, phụ giúp con, cháu.

Trong bản Văng Môn còn có nhiều gia đình khác thành công với mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng trang trại như ông Lo Văn Tiến, ông Lo Văn Tuấn, bà Lương Thị Lan… Các gia đình này nuôi từ 8 đến 30 con gia súc (chủ yếu là lợn, bò, dê). Nhiều hộ còn trồng cây ăn quả để tăng thêm thu nhập. Trong bản cũng đã có gia đình mở cơ sở xẻ gỗ để phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Nghề dệt thổ cẩm, may trang phục, đan lát thủ công mỹ nghệ vẫn được người dân gìn giữ, phát huy.

Đặc biệt, năm 2022, Hội Nông dân xã Nga My đã ra mắt Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản bản Văng Môn với 10 thành viên. Tổ hội đi vào hoạt động đã giúp các hội viên thay đổi tư duy trong chăn nuôi và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

* Bản làng khởi sắc


Trở lại bản Văng Môn hôm nay, đứng trên Quốc lộ 48C nhìn về rừng Pu Pá, có thể thấy bạt ngàn xanh của những diện tích trồng keo, trồng sắn của người dân Ơ Đu. Trong năm 2023, chính quyền địa phương đã triển khai hỗ trợ đồng bào dân tộc Ơ Đu trồng 6ha sắn cao sản; hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây đu đủ đực; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho bà con…

Đời sống của người dân Ơ Đu bản Văng Môn hôm nay đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, thế độc tôn cây lúa trên ruộng, trên nương đã bị phá vỡ, cơ cấu kinh tế ở bản đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Cùng với những chính sách khuyến khích, chương trình đầu tư mà Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương quan tâm triển khai, người Ơ Đu ở Văng Môn đã có những tiền đề vững chắc để phát triển.

Ông Lo Văn Long, bản Văng Môn, xã Nga My cho biết: Được thụ hưởng nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư mà Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền hỗ trợ nên đồng bào Ơ Đu có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là điện, đường, trường, trạm, ăn ở, lối sống, đi lại. Người dân Ơ Đu hôm nay càng đoàn kết xây dựng bản làng và gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, khác hẳn với nơi ở cũ (hai bản Xốp Pột, Kim Hòa thuộc xã Kim Đa, giờ đã chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Bản Vẽ) thiếu thốn, khó khăn, phức tạp đủ thứ.

Thầy Cao Bá Đông, giáo viên điểm trường khối bản Văng Môn, thuộc Trường Tiểu học Nga My, huyện Tương Dương cho biết: Kinh tế của đồng bào Ơ Đu phát triển ổn định hơn thì việc học tập, theo đuổi con chữ của con em học sinh dân tộc Ơ Đu cũng được phụ huynh quan tâm. Nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh ra lớp, đến trường đúng độ tuổi của con em dân tộc Ơ Đu trong bản Văng Môn đều đạt 100%. Con em dân tộc Ơ Đu đi học được thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc thù mà Đảng, Nhà nước hỗ trợ. Các em đến lớp cũng ý thức được tầm quan trọng của việc học nên rất chăm chỉ học tập, lực học có chuyển biến tích cực.

Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết: Văng Môn là một trong 9 bản của xã miền núi Nga My, hiện cả bản có 102 hộ, 345 khẩu, đều là dân tộc Ơ Đu. Đổi thay lớn nhất trong nhiều năm qua là bà con Ơ Đu đã có ý thức làm giàu, biết chú trọng vào phát triển sản xuất với những mô hình kinh tế cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng của địa phương. Nhờ đó, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn đã có những khởi sắc tích cực. Năm 2023, thu nhập bình quân của người Ơ Đu ở bản Văng Môn đạt hơn 25 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, 100% gia đình người Ơ Đu được sử dụng điện lưới thắp sáng, sử dụng nước hợp vệ sinh, có thẻ bảo hiểm y tế...

“Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến bà con dân tộc Ơ Đu trong việc triển khai, thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chế độ chính sách, dự án phát triển sinh kế như hỗ trợ các loại cây trồng, gia cầm, gia súc, vay vốn phát triển kinh tế… đến người dân Ơ Đu được các cấp chính quyền thực hiện đầy đủ”, bà Vi Thị Mùi cho biết thêm./.

Xuân Tiến - Hải An


Tác giả: Nguyễn Xuân Tiến
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm