A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững

Nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện “Nét hoa nghề Hội An” lần thứ 3 năm 2024, ngày 31/5, tại quảng trường Sông Hoài (Hội An, Quảng Nam), UBND thành phố Hội An phối hợp với HoiAn Innovation Hub (Đơn vị truyền thông sự kiện Hội An) và Tonkin Media (kênh truyền thông) tổ chức Tọa đàm “Hội An - Làng nghề lên số”.

Hơn 100 đại biểu đại diện các tổ chức TonKin Media, Hiệp hội du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử và bán hàng đa kênh, các làng nghề truyền thống của Quảng Nam và các tỉnh, thành phố trong khu vực tham gia sự kiện.

Dưới cách tiếp cận “Hội An - Thành phố Sáng tạo UNESCO - Giá trị, cơ hội và trách nhiệm”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng chia sẻ, khu phố cổ Hội An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Với những giá trị nổi bật về di sản văn hóa, Hội An là một trong những địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực văn hóa sáng tạo gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Di sản văn hóa thế giới Hội An có lợi thế là nơi hội tụ của hơn 50 nghề thủ công, truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia như: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, tranh tre dừa nước Cẩm Thanh, nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm, nghề làm đèn lồng, may mặc, thêu thủ công.., góp phần tạo nên bức tranh kinh tế, ngành nghề sản xuất phong phú, đa dạng.

Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hội An xác định đầu tư ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển các làng nghề và nghề thủ công là một mục tiêu quan trọng. Tọa đàm “Hội An - Làng nghề lên số” là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ thủ công kết nối, thảo luận, đề xuất giải pháp, cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu chuỗi giá trị làng nghề, hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững.

Xuất phát từ thực tiễn phát triển chuỗi giá trị làng nghề, ông Lê Ngọc Thuận, chủ Doanh nghiệp làng Củi Lũ Hội An nhấn mạnh, bằng ý chí sinh tồn, sự cần cù chịu khó và sức sáng tạo mãnh liệt, đến nay Hội An đã và đang bảo tồn hơn 50 nghề thủ công truyền thống. Các nghề như làm đèn lồng, đồ da, may mặc, đan võng từ cây ngô đồng, tạo hình, chế biến, sáng tạo các sản phẩm độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa, gốc cây, các vật liệu tái chế hay từ rác thải… là những biểu hiện cho sự sáng tạo bền bỉ của con người Hội An. Đây là tiềm năng vô giá để thành phố khai thác, trở thành những sản phẩm độc đáo, nhất là khi những sản phẩm này được số hóa trên nền tảng công nghệ.

Tại Tọa đàm, đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị của thành phố, các nghệ nhân, thợ thủ công, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực liên quan đến nghề thủ công được các diễn giả hướng dẫn kỹ năng xây dựng chiến lược truyền thông, xây dựng mô hình du lịch, truyền thông du lịch, tham gia chuyển đổi số, nghệ thuật kể chuyện và phương thức quản trị câu chuyện của làng nghề trên không gian số.../.

Đoàn Hữu Trung


Tác giả: Đoàn Hữu Trung
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm