A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư duy đổi mới tạo bước đi đột phá trong cải cách hành chính

Hà Nội thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII khi lĩnh vực này được coi là khâu đột phá, đã có nền nếp từ những năm trước. Dù vậy, bằng tư duy khoa học, đổi mới và phong cách hành động, dám nghĩ, dám làm, đến nay, thành phố (TP) đã tạo nên những bước đi đột phá trong cải cách hành chính.

Phi địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính

Ngày 17/3/2021, đúng dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành 10 chương trình công tác. Trong đó, Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” được xác định là chương trình “xương sống”.

Việc gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với đẩy mạnh cải cách hành chính đã gián tiếp khẳng định mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ. Trên thực tế, việc đẩy mạnh cải cách hành chính đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo trong các cấp.

Tư duy đổi mới tạo bước đi đột phá trong cải cách hành chính

Việc đẩy mạnh cải cách hành chính đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo trong các cấp

Trong 4 năm qua, TP Hà Nội đã nỗ lực triển khai các nội dung của công tác cải cách hành chính và đã đạt nhiều kết quả tích cực. UBND TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch tuyên truyền về cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ hạng các chỉ số: PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS. Đồng thời, toàn TP đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhân rộng các sáng kiến, giải pháp hiệu quả về cải cách hành chính.

Cùng với đó, TP đã chú trọng công tác kiểm tra cải cách hành chính, kết hợp với kiểm tra về chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06; qua đó kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của các cơ quan, đơn vị.

Nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân, thành phố thường xuyên chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tính đến ngày 15/3/2025, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là 1.726 thủ tục hành chính, trong đó cấp sở, cơ quan tương đương sở 1.291 thủ tục, cấp huyện 310 thủ tục và cấp xã 135 thủ tục.

Kết quả rõ nét nhất là TP đã đổi mới cơ chế tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phi địa giới hành chính, nâng cao sự minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ; hướng tới xây dựng chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã triển khai tổ chức 12 chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công. Các chi nhánh đi vào hoạt động đã hội tụ đầy đủ sự chuyên nghiệp, chu đáo, mang lại sự hài lòng cho công dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính.

Tại Chi nhánh số 1 Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố (ở số 258, đường Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ), anh Nguyễn Văn Kiên (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đến thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, chia sẻ: “Tôi thấy cơ sở vật chất ở đây rất khang trang, các bảng biểu hướng dẫn đã tạo thuận lợi cho người dân đến làm thủ tục hành chính. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, nhân viên của chi nhánh rất nhiệt tình và chu đáo trong quá trình thực thi công vụ”.

Lan toả tinh thần đổi mới

Nhìn lại nhiệm kỳ 2020-2025, TP Hà Nội thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai đồng bộ như: Hoàn thiện bộ phận “một cửa”, cải cách hệ thống thủ tục hành chính, cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng vào quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức...

Tư duy đổi mới tạo bước đi đột phá trong cải cách hành chính

Hà Nội đã triển khai tổ chức 12 chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công với tinh thần phục vụ chuyên nghiệp, chu đáo, mang lại sự hài lòng cho công dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính

Quyết tâm từ TP đã truyền tỏa tinh thần đổi mới xuống các cấp, ngành, địa phương. Quận ủy Long Biên đã nhanh chóng ban hành Chương trình số 01-CTr/QU và chỉ đạo quận tập trung triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với xây dựng chính quyền điện tử quận Long Biên giai đoạn 2022-2026”. Đầu năm 2024, UBND quận ban hành kế hoạch về “Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh năm 2024 trên địa bàn quận Long Biên” và đã số hóa 324 bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận, UBND các phường.

Một số chỉ tiêu chính trong công tác CCHC luôn được quận kiểm soát tốt, đạt kết quả nổi bật: Chỉ số Hài lòng năm 2023 đạt 99,67%, xếp thứ 2/30; Chỉ số CCHC năm 2024 đạt 95,39%, tăng 1,39% so với năm trước và vươn lên xếp thứ nhất trong 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đúng hạn của quận luôn đạt 100%, trong đó số hồ sơ được giải quyết trước hạn tại cấp quận đạt trên 76%, cấp phường trên 97%.

Quận đã phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong công tác CCHC; chủ động triển khai các giải pháp hiệu quả, gia tăng tiện ích phục vụ người dân, với nhiều đổi mới từ quận tới cơ sở. Tiêu biểu là mô hình đăng ký lịch hẹn làm việc với bộ phận “một cửa” online giúp người dân có thể đặt lịch hẹn làm việc online, chủ động thời gian giao dịch; giải pháp thay thế hệ thống máy xếp hàng tại bộ phận “một cửa” sử dụng thẻ từ gắn số kết nối với bàn điều khiển thứ tự thông qua sóng radio và sạc điện tại chỗ, được trang bị cho từng cán bộ công chức, chủ động tương tác với từng công dân tới làm TTHC.

Trong khi đó, thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU, quận Hai Bà Trưng đã hoàn thành 38/38 chỉ tiêu, 74/74 nhiệm vụ và 57/57 chỉ số, đạt 100% theo các kế hoạch đã ban hành. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ tập trung vào 3 nội dung chính là phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số.

Đặc biệt, với những nỗ lực không ngừng, chỉ số CCHC của quận Hai Bà Trưng năm 2024 đã vươn lên vị trí thứ 6/30 quận huyện thị xã của TP, tăng 10 bậc so với năm trước. Quận là một trong số những đơn vị đầu tiên của Hà Nội đạt tỷ lệ cao trong cấp chữ ký số cá nhân, với 24.950 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho công dân trên địa bàn (hoàn thành tỷ lệ 10% dân số trưởng thành). Đến nay 100% các phường đã thành lập 264 tổ chuyển đổi số cộng đồng tại tổ dân phố, với tổng số 1.718 thành viên.

Quận Tây Hồ cũng có chỉ số CCHC năm 2024 tiến bộ vượt bậc, vươn lên vị trí thứ 7/30 (năm trước ở vị trí thứ 23). Để đạt được kết quả này, sau khi biết kết quả năm 2023, lãnh đạo quận đã yêu cầu các đơn vị chỉ rõ nguyên nhân tồn tại ở nội dung nào, thuộc đơn vị đầu mối nào; yêu cầu từng đơn vị xây dựng kế hoạch khắc phục. Trên cơ sở đó, định kỳ hằng tháng quận có kiểm điểm, đánh giá hiệu quả triển khai.

Đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới. Đứng trước vận hội mới, Hà Nội cần xác định tầm nhìn xa hơn nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp, tận dụng tối đa thời cơ, huy động được nguồn lực tổng hợp để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Với tinh thần đổi mới, tới đây, Hà Nội sẽ không chỉ tạo nên những đột phá trong chỉ đạo điều hành mà còn đưa cải cách hành chính, tinh thần phục vụ Nhân dân lên một tầm cao mới.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm