A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng và giải pháp thúc đẩy ngành Halal khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ

Sáng 16/5, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội thảo “Triển vọng và giải pháp thúc đẩy ngành Halal ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Hội thảo nhằm tạo điều kiện để Bình Thuận và các tỉnh, thành gặp gỡ, chia sẻ, quảng bá tiềm năng, cơ hội để các địa phương tiếp cận, trao đổi sâu hơn về lĩnh vực Halal. Đây cũng là diễn đàn lý tưởng để các đại biểu trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Thông qua các tham luận và chia sẻ của các chuyên gia sẽ có thêm những thông tin, góp phần hiểu biết sâu sắc về ngành Halal và đưa ra những giải pháp cụ thể để thúc đẩy sự phát triển trong khu vực.

Ngành Halal là ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, bao gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch và thủy sản… Việc phát triển ngành hàng Halal ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, người sản xuất mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội.

Theo PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, khu vực miền Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ có nhiều cơ hội phát triển sản phẩm xuất khẩu. Do có vị trí địa lý gần thị trường Halal, 62% dân số theo đạo Hồi ở châu Á; nguyên liệu lợi thế là thủy sản, rau quả, trái cây, gạo, cà phê, trà, hồ tiêu, gia vị, cao su, điều… phù hợp xuất khẩu.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Thị trường Halal được đánh giá là thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và là cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Với các nước trong khu vực, Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal nhờ vị trí địa lý thuận lợi, có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, thực phẩm, du lịch, dịch vụ… Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải một số khó khăn nhất định đối với sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal và số lượng doanh nghiệp của Bình Thuận tham gia thị trường Halal chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về những thách thức đối với sự phát triển ngành Halal tại khu vực. Theo đó, không nhiều người Việt Nam, doanh nghiệp hiểu rõ về Halal; quá trình chứng nhận Halal tại Việt Nam vẫn phức tạp và chưa được hài hòa hóa với quốc tế; chi phí cao đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào các dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal (chế biến, đóng gói, vận chuyển và bảo quản...), tuân theo các tiêu chuẩn Halal….

Theo các đại biểu, để thúc đẩy ngành Halal ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng vẫn còn nhiều thách thức. Việc xây dựng hạ tầng, chuỗi cung ứng đến đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn Halal là vấn đề thách thức cho các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm có định hướng thâm nhập thị trường rộng lớn này.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền hai chiều giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal, gắn với quy hoạch phát triển ngành, địa phương để tham gia sâu và hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Cùng với đó, góp quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ trên bản đồ Halal toàn cầu./.

Nguyễn Thanh


Tác giả: Nguyễn Văn Thanh
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm