Tin tức kinh tế ngày 16/4: Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt xa Thái Lan
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt xa Thái Lan; Đồng thuận với tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7; WB: Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 16/4.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt xa Thái Lan |
Vàng trong nước tăng nhẹ, vàng thế giới đi ngang
Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/4, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,15 - 69,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 650.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 69 - 69,65 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 550.000 đồng/lượng.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 69,05 - 69,70 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 1500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.
Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch tại Mỹ, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.973 USD/ounce, tương đương với mức giá cùng giờ sáng qua.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt xa Thái Lan
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, với tổng mức tăng lên tới 17 USD/tấn.
Ngày 16/4, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 415 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 395 USD/tấn và gạo 100% tấm có giá 360 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt mức cao nhất trong vòng gần 4 tháng trở lại đây.
Trong khi đó, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan hiện giao dịch ở mức 408-412 USD/tấn. Nguyên nhân là đồng Baht xuống thấp, dẫn đến giá cả cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu gạo Thái Lan gặp khó bởi không đủ tàu và giá cước vận chuyển cao.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 2 tỷ USD trong tháng 3
Tổng cục Hải quan cho hay, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 3/2022 đạt mức cao kỷ lục với trị giá là 67,37 tỷ USD, tăng 38,1% tương ứng tăng 18,6 tỷ USD so với tháng trước
Trong tháng 3, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,05 tỷ USD. Lũy kế quý I năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 1,46 tỷ USD.
Lũy kế trong quý I/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 176,75 tỷ USD, tăng 14,3% tương ứng tăng 22,09 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4% (tương ứng tăng 10,55 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt 87,64 tỷ USD, tăng 15,2% (tương ứng tăng 11,54 tỷ USD).
Đồng thuận với tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7
Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, tất cả 17 thành viên của hội đồng đều bỏ phiếu đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, có 15 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, hai thành viên còn lại đồng ý tăng lương nhưng thời điểm tăng từ ngày 1/1/2023. Với nguyên tắc theo đa số, Hội đồng chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với hiện hành từ ngày 1/7/2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
WB: Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP
RCEP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, tạo ra một thị trường chiếm gần 1/3 dân số và gần 1/3 GDP thế giới. Nếu được triển khai thành công, RCEP có thể có tác động đáng kể đến không chỉ Việt Nam mà còn đối với nền kinh tế thế giới. Trang Vietnam Briefing của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates dẫn báo cáo mới của WB, trong đó phân tích kỹ những cơ hội và thách thức của RCEP đến nền kinh tế của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
WB cho rằng, theo kịch bản lạc quan nhất, khi tận dụng được mọi lợi ích, Việt Nam sẽ có mức thu nhập cao nhất trong số các nước thành viên RCEP. Mức thu nhập của Việt Nam tăng 4,9% so với ngưỡng cơ bản, cao hơn các nước khác có thu nhập tăng chỉ khoảng 2,5%.
Hàn Quốc quyết định gia nhập CPTPP
Theo hãng thông tấn Yonhap, Hàn Quốc quyết định tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong bối cảnh nước này tìm cách đa dạng hóa danh mục xuất khẩu khi nền kinh tế gia tăng bất ổn.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết, quyết định tham gia CPTPP đã được thông qua tại một cuộc họp của các bộ trưởng liên quan lĩnh vực kinh tế trong ngày 15/4 và chính phủ sẽ chính thức đệ đơn xin gia nhập sau khi hoàn tất các thủ tục trong nước, bao gồm báo cáo lên Quốc hội.
P.V (Tổng hợp)