A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy sự phát triển bền vững của Văn học Nghệ thuật

Ngày 12/1, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự hội nghị có Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; lãnh đạo các Liên hiệp Hội, Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, trong những năm qua, cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành cũng rất quan tâm chú trọng và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho lĩnh vực Văn hóa, Văn học nghệ thuật kế thừa, sáng tạo và phát triển nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao nhất để phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt, Bạc Liêu được bạn bè, du khách đến là một tỉnh giàu truyền thống văn hóa, vùng đất sản sinh những bậc kì tài của đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Nam Bộ; là quê hương của bản Dạ cổ hoài lang - bản nhạc bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; quê hương của bản Vọng cổ, điệu nói thơ Bạc Liêu và làn điệu hò chèo ghe Bạc Liêu… Tại tỉnh hiện có một Di sản Văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; một Di sản Văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đó là Nghề làm Muối ở tỉnh Bạc Liêu; 55 di tích lịch sử - văn hóa và 55 lễ hội truyền thống. Ngoài ra, Bạc Liêu cũng vinh dự đạt được 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 3 giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; có 26 Nghệ nhân ưu tú, 8 Nghệ sĩ ưu tú...

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành, đơn vị đã trình bày nhiều tham luận về đổi mới nội dung công tác hội, phát huy liên kết lĩnh vực-vùng trong tổ chức hoạt động; các giải pháp đổi mới phương thức hoạt động Hội…

Theo nhà thơ Kim Ba, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre), hoạt động liên kết, phối hợp trên lĩnh vực Văn học nghệ thuật của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành truyền thống, ổn định và ngày càng phát triển; qua đó, vừa phục vụ yêu cầu chính trị của từng địa phương và của khu vực, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương cho biết, xu hướng liên kết vùng trong việc tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật ngày càng được đẩy mạnh; giúp các văn nghệ sĩ có thêm điều kiện trao đổi, học hỏi, từ đó có thêm những góc nhìn mới, nhiều hiểu biết mới, tạo nên tính chuyên nghiệp, thúc đẩy sự khác biệt độc đáo trong góc nhìn sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; là năm tiếp tục triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc với 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp, trọng tâm. Trong năm, Liên hiệp và các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã có nhiều hoạt động sôi nổi, chủ động, sáng tạo, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt về hoạt động chuyên ngành, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Ở các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành phố, các hoạt động diễn ra phong phú, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân.

Bên cạnh những thuận lợi, những thành quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động của các Hội từ Trung ương đến địa phương. Nhiều tham luận, ý kiến đóng góp tại hội nghị đã tập trung bàn giải pháp để tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước./.

Chanh Đa


Tác giả: Danh Chanh Đa
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm