Thoát nghèo bền vững từ mô hình trồng nấm chuyên nghiệp
Nhờ mô hình trồng nấm theo hướng chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nhiều hộ dân ở Đắk Lắk thoát nghèo bền vững.
Trang trại nấm hữu cơ mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân. (Ảnh: TT) |
Tận dụng "2 trong 1"
Anh Đoàn Xuân Trường, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng cho biết, nhờ tận dụng mô hình "2 trong 1" khi chuyển sang trồng nấm hữu cơ dưới mái nhà năng lượng mặt trời, đơn vị đã tạo công ăn việc làm cho từ 15 - 20 công nhân, chủ yếu là phụ nữ tại địa phương.
Với thu nhập ổn định, cuộc sống hàng chục hộ dân tại xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột cũng vì thế ngày càng khấm khá hơn.
Theo anh Trường, sở dĩ anh chọn trồng nấm vì trước đó, trong thời gian hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản, có dịp đi đến nhiều nơi và nhận thấy, cơ chế chính sách của nhà nước rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Hơn nữa, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm và lựa chọn nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe.
Trong đó, các sản phẩm nấm sạch - loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đang được thị trường ưa chuộng. Đi sâu tìm hiểu, anh Trường nhận thấy, việc trồng nấm đang phát triển manh mún, nhỏ lẻ.
Với quyết tâm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, anh Trường quyết định theo đuổi mô hình làm nấm theo hướng chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kiểm soát nguyên liệu đầu vào và đảm bảo chất lượng đầu ra, đem đến những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Để làm được điều này, anh Trường đến tận Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để học quy trình sản xuất nấm dược liệu và nấm ăn. Sau đó, trở về xây dựng mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời tại thôn 6 (xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột). Dưới mái nhà năng lượng, anh trồng đủ các sản phẩm nấm mèo, nấm sò, bào ngư, linh chi, vân chi...
Theo chị Kim Loan - Tổ trưởng nhân công, trang trại thường xuyên duy trì từ 15 nhân công đều ở thôn 6, xã Hòa Khánh. Thu nhập cơ bản từ 5-6 triệu/1 tháng.
"Công việc nhẹ nhàng, đi làm ở gần nhà nên vẫn có thời gian chăm lo cho gia đình. Nguồn thu nhập ổn định giúp bảo đảm đời sống ở khu vực ven thành phố. Điều quan trọng là mình có thời gian để tăng gia sản xuất ở vườn nhà cùng chồng con, từ đó cuộc sống ngày một tốt lên, con cái được học hành đầy đủ", chị Loan chia sẻ.
Trải qua nhiều thất bại
Xác định "tiên phong" chuyển hướng trồng nấm sạch theo hướng chuyên nghiệp và áp dụng công nghệ cao, trang trại nấm của anh Trường đã không ít lần phải "đóng học phí" cho những thất bại. Thậm chí, có những lúc tưởng như phải dừng lại. Nhưng với quyết tâm giúp mình làm giàu và giúp người dân có thêm thu nhập, anh Trường đã giữ vững lập trường "thắng không kiêu, bại không nản".
“Thời điểm ấy (năm 2019), tôi là người tiên phong làm nấm dưới mái nhà năng lượng mặt trời. Tất cả quy trình, kỹ thuật trồng nấm, tôi tự mày mò làm. Vất vả lắm. Thế nhưng mới làm nấm chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát, nấm tươi làm ra không tiêu thụ được, tặng những người xung quanh cũng không hết, tôi đành bỏ xuống ao cho cá ăn", anh Trường nhớ lại.
Chưa hết, trại nấm của anh bị nấm mốc tấn công. Trong thời gian ngắn, anh phải vứt bỏ hết cả trại. Tiền tỷ đổ xuống, anh Trường không khỏi xót xa, tiếc nuối. Thế nhưng, anh không chịu bỏ cuộc, kiên định với lựa chọn của mình. Sau mỗi lần thất bại, anh lại có thêm bài học để hoàn thiện mô hình trồng nấm của mình hơn.
Lúc này, xác định kỹ thuật là yếu tố quan trọng làm nên thành công của ngành nấm, anh Trường chiêu mộ những kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp cùng đồng hành.
Vì vậy, đã thuyết phục được những kỹ sư đang công tác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam về Đắk Lắk xây dựng mô hình nấm. Trong đó có đôi vợ chồng kỹ sư trẻ Hoàng Khắc Cưng và chị Lại Huyện Lương.
Nhờ có đội ngũ kỹ thuật tận tâm, tận tình sát sao công việc trồng, sản xuất, trang trại nấm của anh Trường bắt đầu cho thu hoạch, đạt năng suất cao.
Đến nay, trang trại của anh Trường có tổng diện tích 5ha. Trong đó, mô hình trồng nấm hữu cơ dưới mái nhà năng lượng mặt trời có quy mô 6.000m2, đạt chứng nhận ISO 22.000 và VietGap, với 2 loại nấm dược liệu, 3 loại nấm ăn.
Theo ước tính, năm 2024 này, sản lượng nấm linh chi đạt từ 3-5 tấn, nấm vân chi 2 tấn, nấm mèo 2 tấn, nấm bào ngư khoảng 200kg/ngày.
Các sản phẩm nấm tại trại nấm của anh Trường được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, anh Trường cũng đưa các sản phẩm nấm của mình lên các sàn thương mại điện tử để ngày càng được nhiều người biết đến.
Để tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp, anh Trường cho trồng nhiều loại cây ăn trái với mục đích bảo vệ môi trường xung quanh vừa có nguồn thu thêm cho công nhân.
Theo đánh giá của lãnh đạo ngành GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột, mô hình trang trại nấm này cũng là môi trường trải nghiệm thực tiễn hữu ích cho học sinh, sinh viên, nhất là các bài học STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.