Chậm giải ngân vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững
Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Nghệ An được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật lớn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chương trình này đang gặp nhiều vướng mắc, khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp, công trình chậm về đích.
* Chậm giải ngân vốn
Thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện Tương Dương được phân bổ tổng kinh phí giai đoạn 2022-2024 là hơn 13,6 tỷ đồng. Kết quả giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023 là hơn 4,3 tỷ đồng, đạt 31,84 % so với nguồn vốn được phân bổ, đến tháng 7/2024 chưa thực hiện giải ngân.
Với nguồn vốn đã được phân bổ, trong năm 2022 và năm 2023, huyện Tương Dương đã triển khai xây dựng 29 mô hình (8 mô hình trồng trọt; 21 mô hình chăn nuôi). Đối tượng hưởng lợi là 1.085 hộ dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Đánh giá về các mô hình, ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng, các mô hình, dự án đều đang trong giai đoạn hoàn thành (mới thực hiện gieo trồng và chăn nuôi trong năm 2023 do nguồn vốn năm 2022 phân bổ chậm) nên chưa có kết quả cụ thể. Sau khi các dự án hoàn thành sẽ góp phần nâng cao kiến thức về sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa, quảng bá sản phẩm; tạo việc làm, sinh kế bền vững, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo của địa phương; góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng được hưởng lợi, tạo nguồn giống, thực phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài địa bàn huyện.
Ông Lô Thanh Nhất thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các mô hình, dự án như: định mức hỗ trợ thấp, mỗi hộ nghèo 15 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo 14 triệu đồng/hộ, hộ thoát nghèo 13 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ thấp so với nhu cầu thực hiện các dự án, quy mô thực hiện mô hình nhỏ, thu nhập chưa đáng kể; phần lớn hộ nghèo, cận nghèo đều thiếu kiến thức, lao động sản xuất; phân bổ kinh phí muộn gây khó khăn cho việc xây dựng và thẩm định hồ sơ, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do nhiều dự án trong lĩnh vực mang tính chất thời vụ.
Không chỉ có Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo mà Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo trên địa bàn huyện Tương Dương đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân vốn.
Còn tại huyện Kỳ Sơn, huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương (bao gồm vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp) cấp cho huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2024 đạt trên 256 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư gần 220 tỷ, còn lại là nguồn sự nghiệp. Tiền đã có, thế nhưng công tác giải ngân hết sức nhỏ giọt.
Đơn cử như Dự án 1 về hỗ trợ phát triển hạ tầng, trong năm 2022 chỉ đạt 36,29%, năm 2024 đạt 0%, tổng kinh phí cả giai đoạn đạt 31.50%; Tiểu dự án 2 - Dự án 3 về cải thiện dinh dưỡng đạt 0%; Tiểu dự án 2 – dự án 4 về hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 5,84%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê cho biết, những năm gần đây, các công trình xây dựng ở địa phương phải đối mặt với những khó khăn như: giá vật liệu xây dựng, nhất là đất đá và cát tăng cao, gấp gần 2 lần so với dự toán. Các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn, càng làm càng lỗ, một số đơn vị thi công cầm chừng, thêm vào đó là thời tiết ở vùng miền núi cao có số ngày mưa nhiều, có đơn vị thi công không đủ năng lực, dẫn đến khối lượng thi công không đạt. Bên cạnh đó, một số công trình đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đất đắp nền.
* Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo bền vững là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn Nghệ An. Giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình giảm nghèo bền vững tại Nghệ An được ngân sách Trung ương giao gần 2.100 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp.
Riêng trong năm 2024, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp cho Nghệ An thực hiện Chương trình này là trên 603 tỷ đồng. Qua triển khai 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển thực hiện được 20,6 tỷ đồng (đạt 8,35%), ước giải ngân đến tháng 9/2024 là 50%, ước giải ngân đến hết năm 2024 là 90%; chưa có kết quả giải ngân đối với vốn sự nghiệp các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị đang triển khai; ước giải ngân đến tháng 9/2024 là 40%; hết năm 2024 là 80%.
Phân tích nguyên nhân, các địa phương thụ hưởng cho rằng, các nội dung hướng dẫn Chương trình được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong khi đó năng lực chuyên môn, hiểu biết của đội ngũ cán bộ cấp thôn, cấp xã còn hạn chế. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình phải theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, các văn bản của Trung ương chưa đồng bộ và đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung nên địa phương còn lúng túng, chậm trễ trong việc triển khai.
Các địa phương không huy động được sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, thực hiện các dự án theo chuỗi giá trị; không thành lập được tổ, nhóm cộng đồng đảm bảo các điều kiện thực hiện các dự án theo phương thức hỗ trợ cộng đồng; mặt khác những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là những người không có khả năng lao động, người cao tuổi, cô đơn, không nơi nương tựa, người khuyết tật… dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn đối tượng tham gia.
Cùng với đó, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn còn gặp vướng mắc trong công tác đào tạo nghề cho người lao động do dịch chuyển người lao động ở địa phương đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; chỉ hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp, trong khi, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo phần lớn là người không có khả năng lao động hoặc quá độ tuổi lao động, còn đối tượng người lao động có thu nhập thấp chưa thực hiện được vì chưa có văn bản hướng dẫn xác định người lao động có thu nhập theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tình trạng chậm giải ngân vốn các dự án đã và đang ảnh hưởng đến các mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Để đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn “chạy nước rút”, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 từ 1-1,5%, Nghệ An cần quyết tâm, nỗ lực rất lớn và những giải pháp khả thi, hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chỉ rõ, các ngành, địa phương cần đưa ra các tiến độ cụ thể; tập trung các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn, nhất là các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án đầu tư phát triển; thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình, chú trọng khuyến khích các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện nghèo.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các đơn vị, địa phương tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo./.
Bích Huệ