A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao đời sống người dân

Trong hơn 2 năm, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 282 sản phẩm được công nhận OCOP. Luỹ kế đến nay, tỉnh này đã có 350 sản phẩm OCOP được công nhận.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra nguồn lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa “bứt phá”. Trong 2 năm (2021 - 2022) và 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã huy động được hơn 18.700 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM); có thêm 282 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Luỹ kế đến nay, tỉnh này đã có 350 sản phẩm OCOP được công nhận, giúp cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao đời sống người dân
Thanh Hóa xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP

Huy động nguồn lực từ xây dựng nông thôn mới

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh này có 17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng NTM, 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 88% số xã đạt chuẩn NTM (tương ứng 410 xã), 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tương ứng 165 xã), 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tương ứng 41 xã), có 65% thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM (tương ứng 876 thôn, bản, 10% thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tương ứng 340 thôn, bản).

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu có 559 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao trở lên, 5 sản phẩm được Trung ương công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao.

Trong 3 năm (2021-2023), tỉnh Thanh Hóa có thêm 5 đơn vị cấp huyện, 42 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 58 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 13 xã và 254 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 223 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao. So sánh với mục tiêu, nhiệm vụ được Trung ương giao, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đạt 70,6% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; 87,56% số xã đạt chuẩn NTM; 48,5% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 34,15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và hiện chưa có huyện NTM nâng cao.

Kết quả lũy kế đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 359 xã, 700 thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM (đứng thứ 2 cả nước); 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đứng thứ 3 cả nước); 14 xã, 346 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 350 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 01 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao (đứng thứ 5 cả nước).

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao đời sống người dân
Nước mắm Tĩnh Gia - sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa

Nhờ những chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên 37,52 triệu đồng năm 2022, gấp 4,2 lần năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm giảm 4,4 lần so với năm 2010, còn 6,08% năm 2022.

Phấn đấu thêm nhiều sản phẩm OCOP có giá trị và sức cạnh tranh cao

Để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đã xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đặc biệt là Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 621-QĐ/TU ngày 23/7/2021 của Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung rà soát các kế hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn; có giải pháp tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” để tạo động lực phát triển sản xuất, thu hút đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Tăng cường thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao đời sống người dân
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu, có giá trị và sức cạnh tranh cao

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã theo hướng tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với quá trình đô thị hóa, nhất là đối với khu vực ven đô, khu vực được quy hoạch phát triển thành đô thị, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ mội trường… hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, đưa làng quê nông thôn ngày càng văn minh, bình yên, đáng sống.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa; chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao… tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao.

Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao đời sống người dân
Sản phẩm mắm tôm, mắm tép Lê Gia của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đạt chuẩn 5 sao xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình OCOP, phấn đấu mỗi xã có nhiều sản phẩm OCOP và toàn tỉnh có thêm nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu, có giá trị và sức cạnh tranh cao.

Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng việc nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”. Đề cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM; biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, cuộc vận động, đồng thời phê bình, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thiếu quyết liệt, ngại khó hoặc để xảy ra sai phạm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm