A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

Tỉnh Lai Châu luôn xác định phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lai Châu là một tỉnh miền núi, biên giới dân số chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, có tổng diện tích trên 9.000 km2, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%. Lai Châu có rất nhiều những tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích tự nhiên lớn, nguồn lao động dồi dào; khí hậu nhiệt đới thích hợp phát triển các loại cây dược liệu quý, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn...

Ngoài ra, tỉnh Lai Châu còn có lợi thế như có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, thuận lợi cho phát triển công nghiệp và kinh tế biên mậu; khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của 20 dân tộc anh em với nhiều điểm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm hấp dẫn; hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư với tuyến đường nối Cao tốc Hà Nội - Lào Cai và thành phố Lai Châu, dự án Hầm Hoàng Liên kết nối với thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai... tạo điều kiện thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Lai Châu đã trồng mới 2.831 ha cây mắc ca; trồng mới chè tập trung 1.316 ha; diện tích lúa hàng hóa thực hiện đến năm 2022 đạt 3.936; phát triển 115 ha các loại hoa tập trung và trồng mới cây ăn quả tập trung đạt 1.316,8 ha. Lai Châu có 151 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; phát triển mới 5.893 thùng ong; phát triển mới 55.512 m3 cá lồng và chú trọng chuyển đổi hơn 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn.

Lai Châu:
Cây mắc ca được trồng ở Lai Châu từ năm 2011

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm, do đó, thời gian qua, tỉnh Lai Châu và đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, đồng thời, cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, đề án để triển khai thực hiện như: Nghị quyết về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Đề án về phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung...

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XIV xác định: phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung là một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh. Ngày 22/2/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU chuyên đề về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết từng bước được cụ thể hóa, nông nghiệp tỉnh Lai Châu nói chung và nông nghiệp hàng hoá tập trung nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. Ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu đã phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng, tham gia mạnh vào thị trường trong và ngoại tỉnh, được thị trường chấp nhận, dần hình thành một số thương hiệu đặc sản Lai Châu như: Các sản phẩm gạo đặc sản địa phương, thịt sấy Lai Châu và các loại gia vị, chè cổ thụ Lai Châu, miến dong Bình Lư, hoa địa lan, mật ong rừng Lai Châu, rượu Lộc trời Lai Châu, rượu Putaleng…

Chăn nuôi theo hướng tập trung theo quy mô trang trại, gia trại phát triển mạnh, tốc độ tăng đàn vật nuôi luôn được giữ vững ở mức trên 5%/năm; thủy sản nước lạnh được mở rộng quy mô sản xuất, sản lượng tăng hàng năm; nuôi trồng thuỷ sản lòng hồ thuỷ điện tăng nhanh quy mô thể tích lồng nuôi và sản lượng nuôi trồng; đàn ong tăng mạnh theo hướng liên kết người dân với doanh nghiệp.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh, người dân và doanh nghiệp, Hợp tác xã tích cực tham gia. Số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn tăng mạnh qua các năm, nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống được kích hoạt thông qua hoạt động của chương trình.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, các sản phẩm OCOP Lai Châu đã thâm nhập đến các thị trường ngoại tỉnh, dần khẳng định thương hiệu, góp phần đưa nông nghiệp hàng hoá Lai Châu phát triển gắn với thị trường cả nước và quốc tế. Công nghiệp chế biến được quan tâm thúc đẩy, các cơ sở chế biến hình thành đều gắn với vùng nguyên liệu, tốc độ tăng cơ sở chế biến khá nhanh trong 2 năm qua.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ nền nông nghiệp của tỉnh Lai Châu sang sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, đề án của tỉnh về phát triển nông nghiệp, trọng tâm là Nghị quyết số 05-NQ/TW của Tỉnh ủy; từ đó huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, sự đồng tình, chủ động, tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã và đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư và người dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp, dự báo khó đạt, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra. Rà soát, điều chỉnh, cơ cấu lại các mục tiêu, nhiệm vụ theo hướng tăng các chỉ tiêu, nhiệm vụ có tính khả thi, hiệu quả cao, giảm các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa phù hợp, đảm bảo đúng định hướng của Nghị quyết, sát với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách của tỉnh cho phù hợp, phát huy hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Tập trung đánh giá, điều chỉnh quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp hàng hóa đảm bảo phù hợp với đặc tính cây trồng, thổ nhưỡng khí hậu; tập trung tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch, quản lý đất đai, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục vận động, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi các diện tích đất hoang hóa, đất canh tác cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần đẩy mạnh tích tụ đất đai.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành liên kết giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tiếp tục lồng ghép và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư ngoài xã hội để đầu tư phát triển nông nghiệp.

Cùng với đó, chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cấp. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, đề án, các chính sách về phát triển nông nghiệp; kịp thời chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện...

Giai đoạn 2021 - 2025, Lai Châu tiếp tục có nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nguồn ngân sách dự kiến trên 1.000 tỷ đồng. Tỉnh đã thành lập các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo điều kiện để các thành viên hỗ trợ nhau về nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và cùng phát triển. Đồng thời, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm