A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh Hóa: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giúp Hợp tác xã phát triển bền vững

Các hơp tác xã ở tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 66 hợp tác xã tham gia phát triển được gần 100 sản phẩm OCOP, chiếm 32% số lượng chủ thể tham gia chương trình. Để đạt được kết quả này, các cấp chính quyền địa phương đã chú trọng khuyến khích các hợp tác xã phát triển sản xuất, xây dựng được sản phẩm chủ lực làm cơ sở đăng ký phát triển theo chu trình OCOP.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn cho các hợp tác xã xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng phương án chủ động tổ chức sản xuất gắn với thiết kế mẫu bao bì, tem nhãn, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thanh Hóa: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giúp Hợp tác xã phát triển bền vững
Tham gia vào Chương trình OCOP, người dân xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn có thu nhập ổn định từ cây chè.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ hợp tác xã; triển khai các chính sách hỗ trợ hợp tác xã về phương thức quảng bá, xúc tiến sản phẩm.

Song song với đó, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát huy nội lực, mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Từ việc tham gia Chương trình OCOP, các hợp tác xã nông nghiệp đã đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất ở nông thôn, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo động lực để phát triển bền vững.

Nhờ lựa chọn được hướng phát triển phù hợp và vận dụng linh hoạt, nên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa đã thành công với 2 sản phẩm OCOP 4 sao là dưa vàng Vạn Hà và dưa chuột baby Vạn Hà. Đồng thời, hiệu quả sản xuất cũng tăng lên đáng kể.

Ông Lê Văn Dung, tiểu khu 5, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa cho biết: Trước kia gia đình chỉ trồng một số cây rau màu như: Xà lách, rau cải, cà chua...năng suất thì thấp, giá bán bấp bênh, thường xuyên bị sâu bệnh phá hoại, chưa kể thời tiết xấu khiến cây rau kém phát triển. Nhưng kể từ khi xây dựng nhà màng mọi lo toan của gia đình không còn và thu nhập tăng lên gấp 5 lần so với cách sản xuất trước.

Theo ông Lê Văn Dung, UBND huyện Thiệu Hóa đã khuyến khích nông dân xây dựng nhà màng để tăng năng suất cây trồng, với cơ chế hỗ trợ gồm tỉnh Thanh Hóa 50 triệu đồng; huyện Thiệu Hóa 50 triệu đồng; thị trấn Vạn Hà 30 triệu đồng. Ngoài ra, thị trấn, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng phối hợp với Công ty CP mía đường Lam Sơn bao tiêu sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, công ty hỗ trợ thêm vốn vay với lãi suất thấp, tiền lãi và gốc trừ vào khi có thu hoạch, thời gian vay trong 5 năm.

Thanh Hóa: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giúp Hợp tác xã phát triển bền vững
Sản phẩm OCOP 4 sao - dưa vàng Vạn Hà của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa được thị trường đánh giá cao về chất lượng.

Qua tính toán của ông Lê Văn Dung, với diện tích 1.300 m2 gia đình trồng 2.600 gốc dưa kim hoàng hậu. Bước đầu, tổng đầu tư nhà màng, mua giống, các máy móc...khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, chi phí đầu vào và khấu hao vụ đầu tiên tạm tính 65 triệu đồng. Một vụ dưa thu về được 4,5 tấn, với giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, gia đình cũng lời gần 100 triệu đồng/vụ.

Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa, nên Hợp tác xã đã đầu tư hơn 4,1 ha nhà lưới để sản xuất rau, củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột baby là những sản phẩm chủ lực.

Để phát triển các sản phẩm theo chu trình OCOP, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng đã tổ chức sản xuất và giám sát chặt chẽ các khâu sản xuất, bảo đảm theo tiêu chuẩn yêu cầu. Sau khi các sản phẩm được “gắn sao”, việc tiêu thụ dễ dàng hơn, giá tiêu thụ luôn ổn định và cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 20%. Nhờ đó, bình quân thu nhập trên 1 ha sản xuất của Hợp tác xã đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn 1,5 lần so với trước khi tham gia chương trình.

Ông Trương Ngọc Ninh, phụ trách Văn phòng Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các Hợp tác xã tham gia chương trình; chủ động đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP. Điều này không chỉ thực hiện mục tiêu Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa mà còn nâng cao doanh thu, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các Hợp tác xã, nhất là các Hợp tác xã nông nghiệp.

Có thể thấy, kết quả đạt được của các hợp tác xã trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, ngoài việc giúp đỡ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa thì các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã chủ động, tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đến nay, nhiều hợp tác xã đã có bước phát triển vượt bậc, đổi mới toàn diện, đầu tư máy móc, khoa học - kỹ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng theo định hướng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Kết quả trên đã giúp các hợp tác xã phát triển bền vững, giúp cac thành viên của các hợp tác xã vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm