A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô cất cánh

Dự thảo Nghị quyết về "Khu phát triển thương mại và văn hóa" nhằm tạo cơ chế đặc thù thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào các khu vực có tiềm năng phát triển thương mại, văn hóa và du lịch. Khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô mở đường cho hệ sinh thái sáng tạo của Hà Nội phát triển và trở thành một ngành kinh tế đầy tiềm năng. Văn bản pháp lý này khi được thông qua, đi vào thực tế chính là một "đường băng" rộng mở, tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô cất cánh và vươn cao đúng như kì vọng.

Thu hút và phát triển du lịch

Theo dự thảo Nghị quyết, khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập tại các địa điểm có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, khu du lịch hoặc điểm du lịch được Nhà nước và quốc tế công nhận.

Mục tiêu chính là thu hút và phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại, bảo tồn các ngành nghề truyền thống, đồng thời cải thiện đời sống người dân.

Khách du lịch trải nghiệm không gian văn hóa làng cổ Đường Lâm

Khách du lịch trải nghiệm không gian văn hóa làng cổ Đường Lâm

Điểm nổi bật của mô hình này là nguyên tắc tự nguyện, tự quản và đảm bảo sự đồng thuận của đa số cư dân trên địa bàn, với các tiêu chuẩn về văn hóa kinh doanh, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định hiện hành.

Theo dự thảo Quy chế mẫu, khu phát triển thương mại và văn hóa được tổ chức với ba cấp. Đầu tiên là Hội nghị cộng đồng - cơ quan quyết định cao nhất, bao gồm đại diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và dân cư cùng đại diện Ủy ban Nhân dân cấp cơ sở, Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở. Hội nghị này được tổ chức thường niên hoặc bất thường để quyết định các vấn đề quan trọng của khu vực.

Tiếp đến là Hội đồng quản lý - cơ quan điều hành, có ít nhất 9 thành viên với nhiệm kỳ 5 năm. Hội đồng quản lý đại diện cho khu phát triển thương mại và văn hóa trong các mối quan hệ, tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, và quản lý các khoản thu chi. Cuối cùng là đơn vị quản lý vận hành, có thể là chính Hội đồng quản lý hoặc một đơn vị chuyên nghiệp được thuê để thực hiện công tác quản lý, vận hành hằng ngày.

Tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô cất cánh

Khu phát triển thương mại và văn hóa thực hiện nhiều hoạt động đa dạng như tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật; phát triển hệ thống cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại gắn với đặc điểm văn hóa địa phương; quảng bá, giới thiệu các hoạt động du lịch; thực hiện các hoạt động tạo cảnh quan, vệ sinh đường phố, bảo vệ môi trường; tổ chức giao thông và giữ gìn an ninh trật tự.

Để có kinh phí hoạt động, khu phát triển thương mại và văn hóa được phép thu các khoản từ bán vé tham quan, biểu diễn nghệ thuật; từ hoạt động trông giữ phương tiện và dịch vụ khác; từ khoản đóng góp của cư dân, tổ chức, doanh nghiệp; từ các khoản chi của Nhà nước theo quy định; và từ các nguồn hợp pháp khác.

Quan trọng là các khoản thu này phải theo nguyên tắc không nhằm mục tiêu lợi nhuận, chỉ để bảo đảm chi trả cho các hoạt động của khu vực, đồng thời đảm bảo công bằng cho các đối tượng như gia đình chính sách, người có công, người khuyết tật và hộ kinh doanh nhỏ.

Phát huy thế mạnh riêng của chủ thể sáng tạo

Hào hứng với dự thảo Nghị quyết này, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) nhấn mạnh: "Dự thảo phát triển công nghiệp văn hoá từng khu, cho chủ động từng làng, từng phố là điều rất hay, thực sự như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là vừa chạy vừa xếp hàng.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (bên phải) cùng các sản phẩm sáng tạo

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (bên phải) cùng các sản phẩm sáng tạo

Nếu được chủ động theo khu vực nhỏ vậy, triển khai sẽ nhanh, người bản địa cũng hiểu và làm chủ được thế mạnh riêng của mình. Chẳng hạn, tại mỗi địa phương, mỗi làng nghề, mỗi nghệ nhân sẽ biết rõ lợi thế của bản thân để đi sâu vào ngành nghề mình am hiểu và thạo nhất".

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lấy ví dụ từ bản thân anh cũng như ngôi làng Đường Lâm của mình. Làng cổ Đường Lâm phát triển du lịch dựa trên những yếu tố văn hóa đặc trưng của làng. Đó là nhà cổ, đá ong, là nếp sinh hoạt gắn với đồng ruộng xứ Đoài, là chum tương, là giếng nước tường rêu với khung cảnh đậm chất làng mạc.

Tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô cất cánh

Còn như anh, những tác phẩm sáng tạo của anh cũng mang phong cách rất... Nguyễn Tấn Phát. Những con ốc sên lấp lánh ánh vàng, những con trâu, con rồng hay cả những con "Thạch ong gấm xà 2025" đều ẩn hiện trong đó màu sắc của đá ong, của vàng son, của tinh thần miền mây trắng.

Chính những điều độc đáo đó đã tạo nên sự khác biệt để thu hút du khách, khiến mỗi sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đều khiến họ nâng niu, thích thú.

Tuy nhiên, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng cho rằng cần bám sát với thực tế, nhân tố thực hiện cần phải là người có tài có tâm, tu duy hợp thời đại, tránh để tình trạng hạn chế về năng lực mà làm sai làm ẩu, lúc đi sửa sẽ rất khó khăn.

Tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô cất cánh

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lấy ví dụ như là một ngôi nhà cổ, đã phá đi xây mới rồi thì sẽ không lấy lại được giá trị nữa.

Bên cạnh đó, là người từng tham gia nhiều các hoạt động phát triển văn hóa, du lịch, sáng tạo tại Hà Nội như Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Hội chợ du lịch quà tặng Hà Nội... anh cho rằng các chương trình đều rất hay bởi tạo được môi trường để cộng đồng sáng tạo giao lưu, giới thiệu được sản phẩm, mang đến không gian thưởng thức nghệ thuật cho người dân và du khách.

Dù vậy, theo anh đây vẫn là những sự kiện có tính thường niên, chỉ diễn ra tại những thời điểm nhất định. Do đó, khu phát triển thương mại và văn hóa cũng như trung tâm công nghiệp văn hóa khi được hình thành sẽ là một không gian thường xuyên và liên tục cho cộng đồng sáng tạo làm nghề và phát triển kinh tế từ nghề.

Tạo đà cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô cất cánh

Ở Đường Lâm nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng có thí điểm hoạt động "Đêm làng cổ" cũng như các hoạt động trải nghiệm tại Phát Studio. Đây cũng là một hình thức tự chủ khu vực, khi chính quyền tạo điều kiện cho cá nhân và Hợp tác xã xây dựng.

Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cần nhiều cơ chế, giao quyền cụ thể hơn nữa để chương trình bền chặt, mới phát triển. "Bản thân nhiều năm qua tôi và Hợp tác xã đã phát huy được rất nhiều giá trị của Đường Lâm, Sơn Tây và còn rất nhiều điều muốn làm nhưng thiếu cơ chế, vướng mắc, đề án vẫn treo không có hướng giải quyết, mặc dù được ủng hộ", anh cho biết.

Bởi vậy, "Hy vọng với dự thảo mới của thành phố sẽ cởi nút thắt cho những chương trình của chúng tôi được đi vào thực tế để phát huy hết giá trị văn hoá, di sản", nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bày tỏ.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm