Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL: Thu hút đầu tư thông qua liên kết vùng
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 đang mở ra cơ hội thu hút dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng, từ đó tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương.
Hiệu quả đạt được
Đồng bằng sông Cửu Long được xác định có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây…
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 đang mở ra cơ hội thu hút dự án từ các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh phù hợp với Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình trải rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục…
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP Hồ Chí Minh, phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng. Theo đó, hợp tác đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối giữ vai trò quan trọng, bao gồm: đường bộ (các tuyến vành đai, quốc lộ và đường cao tốc kết nối, đường bộ ven biển), đường thủy (hệ thống kết nối sông Sài Gòn, Vàm Cỏ; kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia) và đường sắt (tập trung nghiên cứu và đề xuất xây dựng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng, phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, kết quả hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực. Nổi bật là các doanh nghiệp của TP đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Thị trường tiêu thụ của Tp. được đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn và ổn định.
Những năm qua, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều giải pháp cũng được triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng,… góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với thế mạnh nông nghiệp, nhiều nông sản, đặc sản, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đặc biệt là rau quả của tỉnh Đồng Tháp hiện được cung ứng tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống tại TP Hồ Chí Minh. TP cũng hỗ trợ các nhà vườn, Hội sinh vật cảnh Đồng Tháp tham gia trưng bày và bán hoa kiểng trong các dịp lễ hội hoa xuân tại TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang trong năm qua phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh - Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh giới thiệu, kết nối tiêu thụ 100 sản phẩm nông thủy sản Kiên Giang với các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh; tỉnh Cà Mau tổ chức, tham gia 8 chương trình giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và tỉnh Cà Mau…
Đặc biệt, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch. Đồng thời, hơn 500 doanh nghiệp du lịch - lữ hành của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ được tạo điều kiện kết nối với 13 đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành còn triển khai nhiều hoạt động liên kết, trao đổi thông tin và xây dựng một số sản phẩm phù hợp với xu hướng du lịch mới. Ví dụ như sản phẩm du lịch “Ký sự từ sông Sài Gòn đến sông Tiền”, chương trình du lịch đơn tuyến giữa TP Hồ Chí Minh và một tỉnh cụ thể, chương trình du lịch liên tuyến…
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng
Trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phối hợp đề xuất, triển khai các dự án đường sắt Đồng bằng sông Cửu Long - Cần Thơ, đường bộ ven biển Tp. Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long, dự án mở rộng đường cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long - Mỹ Thuận… Bên cạnh đó, đề xuất, triển khai dự án mở rộng Quốc lộ N1, kết nối TP Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang và tuyến đường N2 kết nối TP Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau. Đây là hệ thống giao thông thủy, bộ quan trọng theo trục dọc, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và cả nước.
Trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, hai bên xác định 6 trọng tâm hợp tác gồm giao thông, du lịch, đầu tư - thương mại, thích ứng biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy hải sản bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, hợp tác phát triển hạ tầng chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu vùng về kinh tế - xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong quá trình hợp tác, quan tâm phát triển, nâng cao năng lực nội tại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát huy sức mạnh tổng thể cho sự phát triển chung của vùng, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần quan tâm nghiên cứu tìm hiểu quy hoạch của từng địa phương để lựa chọn đầu tư. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, từ đó tranh thủ thu hút, dịch chuyển dòng đầu tư về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm đầu mối ở An Giang để chế biến nông thủy sản gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt; đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, kết nối du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và vận hành Khu nông nghiệp công nghệ cao, thành lập và vận hành Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh An Giang…
Tại tỉnh Bến Tre, tới đây, tỉnh phối hợp tỉnh Vĩnh Long xây dựng cầu Đình Khao (thay thế phà Đình Khao) kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Vĩnh Long, xây dựng cầu Tân Phú,… Các công trình, dự án này hứa hẹn thúc đẩy cho sự phát triển của Bến Tre. Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh. Đây là hành lang tạo động lực tăng trưởng mới, đột phá cho Bến Tre, giúp tăng cường kết nối các đô thị ven biển thuộc ba huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), thúc đẩy liên kết giữa Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh.