A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

OCOP An Giang đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn

Sau 4 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh An Giang đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao, thuộc nhóm ngành thực phẩm, sản phẩm đồ uống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí.

Thời gian qua, OCOP tỉnh An Giang đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt được hiệu quả cao, tạo luồng gió mới cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập và ổn định đời sống người dân, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao. Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đã tạo thương hiệu cho từng địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Tại huyện miền núi Tịnh Biên, các sản phẩm OCOP như đường thốt nốt Ngọc Trang, rượu cà na, cà na muối, mật ong, nước khoáng SM…đã được phân phối tại cửa hàng của Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm (Antesco) tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Hiện nay, huyện Tịnh Biên đang thực hiện mục tiêu xây dựng 40 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch. Qua rà soát, đến nay có 13 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó, có 6 sản phẩm đạt 4 sao và 7 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, sản phẩm OCOP của huyện ngày càng được người dân và du khách đón nhận, tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, giúp chủ thể tăng sản lượng sản xuất và doanh thu”.

 Thổ cẩm Châu Giang của cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong của nghệ nhân Mo6hamad ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Một điển hình về sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc Khmer huyện miền núi Tri Tôn là đường thốt nốt sệt Palmania của doanh nhân của Chau Ngọc Dịu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania (thị trấn Tri Tôn), đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền, sản phẩm đạt 4 sao và được đề xuất sản phẩm OCOP quốc gia 5 sao. Tuổi thơ của cô gái người Khmer sinh năm 1982 gắn liền với cây thốt nốt, xuất phát từ mong muốn duy trì nghề sản xuất mật thốt nốt theo phương thức truyền thống và tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sạch, nguyên chất, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, chị cùng những người bạn lập Công ty Cổ phần Palmania để thực hiện nguyện vọng nâng tầm sản phẩm mật thốt nốt của An Giang, hướng đến mục tiêu đưa đặc sản quê hương đến những vùng đất mới.

“Palmania là đam mê, cũng là khát khao, đồng thời là nguyện vọng của đồng bào. Palmania 100% tự nhiên, không dùng chất phụ gia, vì không sử dụng phương pháp tách mật nên khi làm thành dạng bột sản phẩm vẫn giữ được hương thơm, vị ngon đặc trưng của thốt nốt và các khoáng chất có trong mật thốt nốt sệt truyền thống. Nhờ chất lượng, sản phẩm được thị trường ngoài nước tìm đến. Hiện sản phẩm mật thốt nốt Palmania được phân phối tại 14 tỉnh, thành phố, với hơn 50 điểm bán trên cả nước và Công ty đang xúc tiến sản phẩm tại thị trường châu Âu”, chị Dịu chia sẻ.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: “Để tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm OCOP, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, lập hồ sơ đăng ký tham gia chương trình. An Giang đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững với những cách làm phù hợp; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền, chiến lược phát triển kinh doanh cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc trưng, lợi thế so sánh của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu”.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu nhằm tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, địa phương phấn đấu đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn...

“Phấn đấu ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử…) phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương”, ông Thư thông tin./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm