Bản cáo bạch 100 trang đầy kỹ thuật của VinFast và chuyện “Hai ông SAM” muốn mở đường cho công ty Việt niêm yết trên đất Mỹ
Sam Van, cựu giám đốc sàn chứng khoán New York (NYSE) và Louis Nguyễn, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Saigon Asset Management (SAM) đang ấp ủ kế hoạch làm cầu nối cho các công ty Việt Nam muốn huy động vốn và niêm yết tại Mỹ. Nhưng rào cản chính lại đến từ tư duy của các ông chủ doanh nghiệp Việt. Liệu họ có thực sự muốn tiếp cận thị trường tài chính phát triển và minh bạch bậc nhất thế giới?
Trong chuyến bay kéo dài 6,5 tiếng từ New York về Washinton D.C, Louis Nguyễn đọc hết hơn 100 trang cáo bạch F1 của VinFast. Đó là một báo cáo hết sức kỹ thuật, và nó khiến ông phải cảm thấy “wow”.
VinFast đã thực sự nghiêm túc với câu chuyện niêm yết cổ phiếu trên đất Mỹ, và họ cũng bỏ ra rất nhiều tiền. Tập đoàn Vingroup, các công ty liên kết và bên cho vay bên ngoài đã sử dụng hơn 7,5 tỷ USD để tài trợ chi phí hoạt động và chi phí vốn dự án từ năm 2017, theo nội dung bản cáo bạch.
Vừa đáp xuống California, Louis lập tức gọi cho Sam Van. “Tôi nghĩ chúng ta có thể hợp tác. Nếu VinFast thành công, nhiều công ty khác sẽ làm theo”, Louis đã nói như vậy.
Việc VinFast không niêm yết thành công quá khó tin với Louis thời điểm này. “Khi bạn đã đi qua hơn nửa đường, bạn sẽ đi tiếp”, CEO SAM nói.
Văn phòng công ty Louis Nguyễn đặt tại toà nhà Sunwah, đường Nguyễn Huệ, TP HCM. Làm việc giữa trung tâm “phố Wall Việt Nam”, công việc của Louis hiện nay là tư vấn chiến lược cho các khách hàng doanh nghiệp.
Louis có kinh nghiệm dạn dày trong ngành tài chính. Người đàn ông Việt Kiều 60 tuổi, khoẻ mạnh, từng làm việc cho cả Apple lẫn KPMG Mỹ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau đó, ông tham gia ngành đầu tư mạo hiểm (VC), chinh chiến ở thung lũng Silicon, nơi tập trung những bộ não phi thường và cũng sôi động nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ toàn cầu.
Năm 2003, Louis về Việt Nam lần đầu tiên sau hàng chục năm. Ông trở thành thành viên sáng lập của IDG Ventures, quỹ đầu tư tập trung vào công nghệ đầu tiên trong nước. Sau đó, Louis có hai năm làm việc ở VinaCapital dưới tư cách là giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital. Sự nghiệp đầu tư tại Việt Nam của Louis đạt đỉnh cao khi ông trực tiếp điều hành hai quỹ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, quản lý 125 triệu USD. Quỹ hoạt động 10 năm, nằm trong số đạt hiệu suất tốt nhất thị trường so sánh tương quan.
Mỗi năm, Louis bay qua bay lại Việt Nam - Mỹ vài lần thăm gia đình. Gần đây, ông đi nhiều hơn, một phần cũng để xử lý công việc. Đội ngũ SAM do Louis lãnh đạo là đơn vị tư vấn trực tiếp thương vụ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đầu tư 200 triệu USD vào Seabank. Khoản vay nhằm tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp phụ nữ làm chủ và giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Đầu năm nay, Louis cùng đoàn Seabank tới Mỹ ký giải ngân nốt 100 triệu USD trong tổng số 200 triệu USD gói đầu tư. Khi có cơ hội bay đến bờ Đông nước Mỹ, Louis sắp xếp để gặp gỡ Sam Van, một người bạn mà ông quen biết cách đây 10 năm.
Sam Van là Việt Kiều nổi tiếng trong giới tài chính New York, có lẽ chỉ sau Chính Chu, tỷ phú đô la từng làm giám đốc cấp cao tại Blackstone. Sam Van có hơn 10 năm làm việc tại sàn chứng khoán New York (NYSE), là giám đốc niêm yết quốc tế, nhiệm vụ phát triển kinh doanh. Sau đó, ông dành 5 năm làm việc tại FINRA, cơ quan quản lý ngành tài chính tại Mỹ.
Sam Van am hiểu sâu sắc về thị trường vốn Mỹ, đặc biệt là niêm yết chứng khoán. Ông từng hỗ trợ cho 60 công ty niêm yết thành công tại NYSE với tổng giá trị vốn hoá trên 7 tỷ USD. “Người Mỹ gốc Việt như Sam Van không có nhiều”, Louis nói với người viết trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng SAM.
Sam Van không chỉ là chuyên gia về thị trường chứng khoán Mỹ, ông còn thiết lập quan hệ rất tốt. Từ lãnh đạo cấp nhà nước cho đến chủ doanh nghiệp lớn của Việt Nam sang New York đều sắp xếp gặp Sam Van, theo lời kể của Louis. Phải cho tới cuộc gặp lần này, Louis mới hiểu thêm nhiều khía cạnh thú vị về Sam Van.
Cả Louis và Sam Van đều đồng ý với nhau một vấn đề: người Việt Nam không hiểu thị trường Mỹ, và ngược lại người Mỹ cũng không biết Việt Nam hấp dẫn ra sao. “Khi hai bên không hiểu nhau, họ sẽ không làm việc với nhau”, Louis nói.
Tại New York, CEO SAM được nghe rất nhiều về câu chuyện niêm yết của VinFast, nhà sản xuất xe điện Việt Nam. Ở góc nhìn của mình, Louis tin rằng VinFast sẽ là cái tên tạo sự khác biệt khi tiến hành niêm yết lần này, vì họ đã có những bước tiến rất xa.
Tài liệu mẫu F1 của VinFast công bố vào tháng 12 năm ngoái tiết lộ nhiều điều có thể lạ lẫm và nhạy cảm đối với một công ty Việt Nam. Đó là rào cản khó vượt qua với nhiều ông chủ chớm loé lên ý định niêm yết chứng khoán tại Mỹ trong đầu. Bên cạnh đó, mức phí dịch vụ cũng không hề nhỏ. “Thông thường, mức phí cho niêm yết tại Mỹ dao động từ 2 – 4 triệu USD”, Louis tiết lộ. Đó là tiền chi cho kiểm toán, luật sư, nhóm tư vấn… mạng lưới các thành viên giúp một công ty có thể chào bán cổ phiếu lần đầu và niêm yết.
Nhưng vấn đề lớn nhất khiến cho đến nay chưa một công ty Việt Nam nào niêm yết thành công và tồn tại trên thị trường chứng khoán Mỹ theo ông Louis đến từ cách tư duy. Tư duy có thể khiến các ông chủ Việt Nam tỏ ra rụt rè về những yêu cầu minh bạch tại thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Hoặc một khía cạnh khác trực diện hơn: “Nhiều người Việt Nam không muốn trả tiền cho kiểm toán Big 4, vì họ cảm thấy quá đắt”, ông nói.
Chỉ khi vượt qua được các rào cản về tư duy, việc niêm yết chứng khoán tại Mỹ mới có thể thực sự diễn ra. “Tôi nghĩ VinFast đã dám chơi”, CEO SAM nói.
Cũng giống như Louis, một năm Sam Van bay giữa Mỹ - Việt Nam vài lần, trừ giai đoạn diễn ra đại dịch. Sam Van sinh ra ở TP HCM, nhà ông cách phố Nguyễn Huệ không xa. Ông sang Mỹ sống khi còn nhỏ, đến giờ thì tiếng Việt của ông chỉ còn giữ được chút ít. Ông nghe được người Việt Nam nói chuyện, mức độ hiểu thì hên xui.
Sam Van chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, nhất là trong khoảng 20 năm trở lại đây. Ông rời Việt Nam khi cả phố Nguyễn Huệ chỉ có hai toà nhà lớn, và giờ đây nó đang trở nên ngày càng sầm uất. Giới trẻ Việt Nam được đào tạo bài bản hơn, họ bắt đầu nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Giữa tháng hai, Sam Van về Việt Nam thăm quê hương. Một vấn đề là cả Sam Van và Louis đều muốn tận dụng những chuyến đi Việt Nam - Mỹ không chỉ để thăm thân, mà còn có thể xử lý được công việc. Họ gọi đó là tối đa hoá lợi ích.
Chuyến trở về lần này, Sam Van ký với Saigon Asset Management một thoả thuận hợp tác chiến lược. “Bộ đôi Sam” sẽ cùng nhau hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu huy động vốn và niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Mục tiêu của họ là những công ty vừa và nhỏ (theo tiêu chuẩn Mỹ), có doanh thu từ 50 – 200 triệu USD. Những công ty này không cần phải có lợi nhuận, nhưng cần có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và tiềm năng lợi nhuận trong tương lai.
“Chúng tôi ở đây để đưa ra một cánh cổng. Chúng tôi biết cách làm thế nào”, Sam Van nói trong cuộc phỏng vấn riêng với người viết. “Louis và tôi có thể vạch ra cho các công ty một lộ trình đúng để niêm yết tại Mỹ”, chuyên gia về thị trường tài chính Mỹ bổ sung. Sam nói rằng ông biết cách tập hợp các nguồn lực cần thiết, bằng kinh nghiệm hàng chục năm làm việc tại Mỹ. Bản thân ông cũng đang điều hành một công ty riêng cung cấp giải pháp niêm yết quốc tế từ năm 2018, Deltec Investment Advisers Limited.
Ở Việt Nam, Louis và SAM sẽ lo phần việc. Văn phòng SAM là nơi tiếp nhận hồ sơ, họ có thể tiếp xúc và tư vấn một cách gần gũi với khách hàng.
Khi các công ty phát triển đến quy mô lớn, thị trường vốn trong nước trở nên quá nhỏ bé. Ở Việt Nam, các trường hợp như VinFast, VNG, Tiki, CrownX là ví dụ minh chứng rõ ràng. Không chỉ là vấn đề có lãi hay không để đáp ứng điều kiện niêm yết; khi một công ty cần huy động hàng trăm triệu USD cho đến tỷ USD, họ cần đi ra các thị trường vốn quy mô hơn. Cá lớn không thể vẫy vùng nơi nước cạn.
“Ở Mỹ, huy động 1 tỷ USD là số nhỏ. Giá trị giao dịch trên NYSE mỗi ngày đạt hàng chục tỷ USD, còn tại Nasdaq là hàng trăm tỷ USD. Tức là thị trường Mỹ rất thanh khoản”, Sam Van nói.
Rào cản lớn khiến cho hầu như không có công ty Việt Nam nào niêm yết chứng khoán tại Mỹ cho đến nay là yếu tố tâm lý, theo Sam Van. “Có thể họ nghĩ rằng việc này rất khó”, vị chuyên gia nói. “Nó không khó đến vậy. Khi lãnh đạo các công ty tìm đúng người, nắm được quy trình, đặt các mục tiêu và chuẩn bị theo lộ trình, họ có thể thành công”, ông giải thích thêm.
Dù vậy, cả Sam Van và Louis không cho rằng mảng tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn và niêm yết trên đất Mỹ là “con gà đẻ trứng vàng”. Tuy đã có những cái tên tiên phong, nhưng về bản chất, câu chuyện niêm yết Mỹ vẫn còn là quá sớm với phần đông doanh nghiệp Việt Nam. “Có điều, thà bắt đầu sớm còn hơn bắt đầu muộn”, Sam Van nói.
Không đao to búa lớn, Louis nói rằng hợp tác chiến lược giữa hai chuyên gia ngành tài chính như “một bàn tay nhỏ” để giúp các công ty Việt Nam thành công hơn ở đất Mỹ.
Sam Van không nhất thiết phải về Việt Nam. Bản thân ông đã làm công việc tư vấn niêm yết cho các công ty khu vực châu Á suốt nhiều năm nay. Nhưng trên hết, động lực của Sam đến từ việc ông là người có gốc gác Việt Nam.
“Sẽ không một nhà tư vấn Mỹ nào đến Việt Nam để làm công việc này, khoảng cách quá xa”, Sam Van nói. Và đương nhiên họ cũng không thể biết được cơ hội lớn đến đâu.
Còn với Louis, quãng thời làm tài chính ở Việt Nam ông luôn cảm thấy mình vào cuộc quá sớm. Khi ông làm DFJ VinaCapital, đầu tư mạo hiểm không sôi động như hiện tại. Cả khi Louis muốn đem quỹ ETF vào thị trường Việt Nam những năm 2012, chưa ai biết nó là gì.
“Hợp tác SAM và Sam Van, cả hai chúng tôi đều biết rằng hơi sớm. Những quá khứ chứng minh rằng, những gì tôi đi sớm, cuối cùng rồi cũng diễn ra”, CEO SAM chia sẻ.
Bài: Bạch Mộc
Thiết kế: Vũ Nhật