A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Thuận phấn đấu đưa kinh tế số chiếm 12% GRDP

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với phát triển chính quyền số, xã hội số, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, nhất là các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Theo Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai nhiệm vụ để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược của quốc gia về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Nhằm nâng cao năng lực cạnh canh của nền kinh tế, Ninh Thuận xác định 4 trụ cột phát triển kinh tế số, gồm: thương mại điện tử - thanh toán không dùng tiền mặt; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số và dữ liệu số.


Trong năm nay, Ninh Thuận đặt mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 12% GRDP của tỉnh; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%; doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 7%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 7% và 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên các sàn thương mại điện tử nội địa.


Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh cho hay, Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo hướng tổng thể, toàn diện; trọng tâm hoàn thiện hạ tầng số, khai thác, chia sẻ và kết nối hiệu quả cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên thúc đẩy ứng dụng chính quyền số, kinh tế số vào các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu dịch vụ, góp phần nâng cao chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2024 của tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước.


Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá hiện trạng và nhu cầu phát triển kinh tế số, tập trung phát triển kinh tế số của 7 ngành, lĩnh vực gồm: Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Việc làm và an sinh xã hội; Du lịch; Nông nghiệp và Nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Công thương nhằm mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Ninh Thuận đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tỉnh tiếp tục nâng cấp hoàn chỉnh hạ tầng dùng chung, hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; đảm bảo hạ tầng nền tảng phát triển dịch vụ đô thị thông minh; tận dụng tối đa lợi thế mạng 5G, những ứng dụng mới, đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) tối ưu hóa hoạt động đổi mới để thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.


Để số hóa các ngành kinh tế, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, địa phương tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, số hóa, vận hành cải tiến hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các ngành Y tế, Giáo dục xây dựng nền tảng số, hoàn thiện và phát triển dịch vụ thông minh phổ cập đến cơ sở. Ngành Nông nghiệp tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ngành Tài nguyên và Môi trường ứng dụng chuyển đổi số giám sát tình hình ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, ô nhiễm không khí, môi trường nước; giám sát dịch vụ cung cấp nước sạch. Ngành Văn hóa xây dựng nền tảng số và chuyển đổi số toàn diện về văn hóa, thể thao, phát triển dịch vụ du lịch thông minh,...


Cùng với đó, tỉnh triển khai chương trình khởi nghiệp sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế số; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tham gia chương trình chuyển đổi số, sử dụng hợp đồng điện tử, nộp thuế điện tử; đảm bảo mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Các đơn vị giới thiệu, quảng bá các sản phẩm công nghệ số, kết nối các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; tiếp tục phối hợp với Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, các sàn thương mại điện tử, ngân hàng,… kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.


Nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang thanh toán số, địa phương tập trung triển khai hướng dẫn đăng ký để mỗi người dân trưởng thành có một tài khoản thanh toán số; phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục làm thẻ, ví điện tử cho người dân; tuyên truyền, khuyến khích các cửa hàng, cửa hiệu, bệnh viện, trường học,... thanh toán không dùng tiền mặt. Song song với đó, địa phương đẩy mạnh triển khai phong trào phường, xã, khu phố, ấp số không dùng tiền mặt và các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số khác như thanh toán quét QR Code, qua di động,...


Theo Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh, năm 2023 triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số đã góp phần quan trọng giúp Ninh Thuận nằm trong top 10 cả nước về tăng trưởng GRDP và đứng thứ 2/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đến nay, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh đạt 9,56%, trong đó kinh tế số ICT chiếm 6,7%, kinh tế số nền tảng chiếm 2,86%. Qua đánh giá, kinh tế số đã dần hình thành trong lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng, Nông nghiệp, Y tế, Dịch vụ, Du lịch với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người, thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn./.


Nguyễn Thành


Tác giả: Nguyễn Huy Thành
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm